Lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển kinh tế lâm nghiệp
21/07/2017 04:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời coi doanh nghiệp là động lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời coi doanh nghiệp là động lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 và tổng kết dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016 vừa diễn ra sáng 20/7 tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển ngành lâm nghiệp bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những giải pháp tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả nhất để tăng cường khả năng chống chịu, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển, đồng thời giúp tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn.
Giá trị, sản lượng, hiệu quả từ sản xuất lâm nghiệp tăng cao hơn so với trước đây. Tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất lâm nghiệp đạt 6,57%/năm trong giai đoạn 2013-2016 trong khi giai đoạn 2010-2012 chỉ tăng bình quân 5,03%/năm. Sáu tháng đầu năm 2017, tăng 5,29%, ước cả năm đạt khoảng 6,6%.
Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ, giảm mạnh về quy mô. Năm 2011 khai thác 200.000 m3 năm. Năm 2015 chỉ có 2 công ty lâm nghiệp được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) khai thác khoảng 13.500 m3; năm 2016 chỉ còn 1 công ty khai thác 5.500 m3; năm 2017, dừng khai thác rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc.
Tuy giảm và hiện đã dừng khai thác rừng tự nhiên, nhưng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012-2015. Năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2017 đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ; ước cả năm đạt 7,6 đến 7,8 tỷ USD.
Công tác trồng rừng được triển khai tích cực, bình quân hằng năm trồng được 225.000 ha rừng tập trung, trong đó trên 90% là rừng sản xuất; năng suất rừng trồng tiếp tục được cải thiện. Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,7% năm 2012 lên 41,19% năm 2016, năm 2017 ước đạt khoảng 41,45%. Diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 225.000 ha.
Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ với người trồng rừng trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận quản lý rừng bền vững.
Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục.
Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng còn nhiều hạn chế, vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng còn thiếu chặt chẽ so với quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch. Việc trồng rừng ven biển còn nhiều khó khăn.
Năng suất, chất lượng rừng thấp, đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm (80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo), giá trị thu nhập trên 1 ha rừng sản xuất, bình quân chỉ đạt khoảng 7-8 triệu đồng/ha/năm, hầu hết hộ gia đình quản lý diện tích rừng nhỏ dưới 3,0 ha/hộ, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập, đời sống rất khó khăn.
Chất lượng nhiều loại sản phẩm lâm nghiệp còn chưa cao và khả năng cạnh tranh thấp do quy mô sản xuất nhỏ, chưa tổ chức liên kết theo chuỗi; kết cấu hạ tầng phục vụ chế biến như kho tàng, bến bãi, công nghiệp phụ trợ… kém phát triển, chưa phát triển mạnh thị trường nội địa. Giá trị gia tăng của lâm sản còn rất thấp do thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu.
Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra 3 yêu cầu tiên quyết. Đó là phải là bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên; phải phát triển và nâng cao độ che phủ của rừng, nâng cao năng suất và chất lượng rừng đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm lâm nghiệp.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để hiện thực hoá các mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập đến một số nhóm giải pháp chính cần tập trung thực hiện.
Cần có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp
Trước hết, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để bảo vệ rừng và phát triển ngành lâm nghiệp. Cụ thể, cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện có, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017; Hướng dẫn một số nội dung Quyết định số 886/QĐ-TTg, hoàn thành trong quý III/2017.
“Phải sớm có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, lấy các doanh nghiệp làm động lực nhằm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu, tạo đầu vào, liên hết, hỗ trợ người dân, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp. Hoàn thiện việc rà soát, đánh giá quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng, xác định rõ lâm phận ổn định, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác theo dõi giám sát, cập nhật hiện trạng, diễn biến tài nguyên rừng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát thực trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý, thống nhất giữa quy hoạch rừng trên bản đồ và trên thực địa; gắn quy hoạch phát triển rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp.
Nhiệm vụ trong tâm thứ ba, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là phải tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào bảo vệ, quản lý, phát triển và khai thác rừng có hiệu quả.
“Cần tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân”, Phó Thủ tướng nói.
Yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra. Trong thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện, hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hiệp định chung với EU và các hiệp định song phương với các nước có tiềm năng để mở cửa thị trường cho thương mại, xuất nhập khẩu lâm sản.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ, phát triển rừng; ưu tiên bố trí và huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và đầu tư phát triển rừng.
Theo VGP
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?