Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri
26/06/2017 08:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ảnh nguồn Internet.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp...
Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, ngày 22/5/2017, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp thứ 3 với nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng, các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 12 dự thảo Luật, 12 Nghị quyết; và xem xét, cho ý kiến đối với 06 dự án luật. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật về tư pháp, quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Quốc hội cũng đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của các cơ quan của Quốc hội; các báo cáo về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thực hiện bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; công tác bảo vệ môi trường.
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016”. Đây là nội dung giám sát rất quan trọng, liên quan đến tình hình an toàn thực phẩm rất bức xúc hiện nay, được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm. Quốc hội đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, bám sát thực tiễn, phân tích kỹ những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội đang được cử tri đặc biệt quan tâm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, đồng thời thành lập Đoàn giám sát để triển khai thực hiện. Trong đó Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016” tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Về chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ 3, đã có 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 114 phiếu chất vấn với 127 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Với thời gian 03 ngày (tăng 0,5 ngày so với các kỳ họp trước), Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo, giải trình thêm về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đã có hơn 196 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bức xúc của đời sống. Đặc biệt, tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ và các vị đại biểu khác để làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và có giải pháp khắc phục. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ tổ chức thực hiện Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội cũng đã tiến hành một số hoạt động khác, trong đó có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng nhằm tăng cường và mở rộng các hoạt động song phương với nghị viện các nước, góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao nghị viện. Đã có 02 Đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Cuba và Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Haiti dẫn đầu đến thăm và làm việc với Quốc hội nước ta.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Sáng 21/6, trong ngày làm việc cuối cùng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV với 458/461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,28% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV. Ảnh nguồn Internet.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội ghi nhận nỗ lực, các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện các cam kết, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Trong đó, đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, liên thông kết quả xét nghiệm, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người bệnh; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để khắc phục tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ, trục lợi từ Quỹ bảo hiểm y tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực y tế.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước cho y tế; đổi mới phương thức quản lý, cơ chế tài chính bệnh viện; giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập gắn với nâng cao chất lượng phục vụ; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế; thực hiện lộ trình thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu... để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên qua từng năm; phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức, hoạt động, tài chính và huy động các nguồn lực nhằm phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở; tiếp tục tạo sự chuyển biến chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân của hệ thống y tế cơ sở qua từng năm, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân tại trạm y tế xã và bác sỹ gia đình; bảo đảm quyền thụ hưởng dịch vụ y tế của các đối tượng nghèo, đặc biệt khó khăn; tăng cường quản lý và phát huy vai trò của y tế tư nhân; phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách về xã hội hóa y tế.
Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược, tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu, phát huy nguồn dược liệu trong nước; sớm sửa đổi quy định về đấu thầu thuốc biệt dược; bảo đảm công tác đấu thầu thuốc phát huy hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; triển khai các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá thuốc, chất lượng thuốc, vật tư, thiết bị y tế; kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xem xét những vấn đề quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình
Toàn cảnh Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ảnh nguồn Internet.
Chuyển từ “Quốc hội phát biểu tham luận” sang "Quốc hội tranh luận”
Trao đổi với phóng viên tại Họp báo về những thay đổi tích cực trong hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Kỳ họp thứ 3 có khối lượng công việc đồ sộ, Quốc hội đã thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự luật khác với tinh thần là kỳ họp đầu tiên thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Các phiên thảo luận tại nghị trường chuyển từ “Quốc hội phát biểu tham luận” sang "Quốc hội tranh luận” với không khí hết sức dân chủ, đổi mới. Các đại biểu Quốc hội đã tích cực tranh luận, không chỉ tranh luận giữa đại biểu với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, với đích đến là làm rõ vấn đề để cử tri hiểu và các đại biểu cũng hiểu lẫn nhau.
Bên cạnh đó, theo Tổng thư ký Quốc hội, Kỳ họp này có điểm mới nằm ở sự điều hành rất linh hoạt của Chủ toạ, nhất là việc Chủ toạ quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận. Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, Chủ toạ đã quyết định kéo dài đến 18h30, tức kéo dài chương trình thảo luận thêm 1,5 giờ. Việc kéo dài thời gian tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội phát biểu nhiều hơn. Tổng thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh, chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu. Quốc hội cũng quyết định kéo dài phiên chất vấn thêm nửa ngày, từ 2,5 ngày lên 3 ngày chất vấn để dành thêm nhiều thời gian cho cả người hỏi lẫn người trả lời để làm rõ vấn đề.
Ngoài ra, đa số cử tri và ĐBQH cùng đánh giá, những vấn đề được chất vấn tại kỳ họp này sát với thực tế, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và mong muốn những giải pháp được các thành viên Chính phủ đưa ra khi trả lời chất vấn sẽ được thực hiện triệt để.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?