Hoàn thiện pháp luật, thể chế bảo đảm quyền con người
30/09/2024 04:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa chính thức thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Liên hợp quốc về quyền con người (UPR) chu kỳ IV. Đây là kết quả của một quá trình dài chuẩn bị của Chính phủ Việt Nam. Tại Phiên họp ngày 27/9, Việt Nam đã thông báo quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra, đạt tỷ lệ 84,7%. Đây là tỉ lệ chấp thuận cao nhất của ta trong 4 chu kỳ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình UPR, cũng như khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Việt Nam thực thi nhiều chính sách, đảm bảo quyền con người trên mọi lĩnh vực. (Ảnh: Minh Duyên/TTXVN)
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân
Cùng thời gian với chu kỳ rà soát hiện nay (2019 - 2023), ở Việt Nam đã có nhiều sự kiện chính trị trọng đại mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, củng cố nền tảng cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nổi bật là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội và Chính phủ khóa XV. Qua các sự kiện đó, Việt Nam đã đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra mục tiêu tổng quát về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, nhất quán, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân.
Từ năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động nhiều chiều đến các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân và các nỗ lực thực hiện các khuyến nghị, đồng thời tạo áp lực lớn đến kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bên cạnh những khó khăn do tình hình dịch bệnh, Việt Nam còn phải đối mặt với tác động ngày càng gay gắt của thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, tác động sâu rộng đến sinh kế, quyền lợi của người dân.
Trong bối cảnh đó và trên cơ sở chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, kể từ lần rà soát chu kỳ III, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ hoàn thiện cả về mặt pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người.
Nhiều chính sách mới liên quan đến bảo đảm quyền con người
Kể từ lần rà soát trước, nhiều chính sách mới quan trọng đã được ban hành với mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), bảo đảm quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động.
Về phát triển kinh tế- xã hội: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 cập nhật nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2030. Việt Nam xác định tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa; ưu tiên phục vụ con người, phát huy cao nhất yếu tố con người trong chiến lược phát triển. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành những Chiến lược, chính sách mới tập trung vào an sinh xã hội và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2021.
Về phát triển bền vững và thực hiện các SDG: Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện SDG, đặc biệt là Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Giai đoạn từ 2016 đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện thành công SDG. Tỉ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP trong giai đoạn 2016 – 2021 luôn duy trì ở mức trên 34%, và đạt cao nhất vào năm 2020 (34,8%).
Việc giám sát, đánh giá tiến trình thực hiện các SDG được thực hiện thường xuyên. Cơ sở dữ liệu về các SDG liên tục được cập nhật, mở rộng. Việt Nam đã ban hành Hệ thống gồm 158 chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam và Lộ trình thực hiện các SDG đến 2030. Thể chế về phát triển bền vững ngày một hoàn thiện, chặt chẽ. Việt Nam đã hình thành và phát triển mạng lưới phối hợp liên ngành và các cơ quan thúc đẩy việc thực hiện các SDG, bao gồm cả các cơ quan Chính phủ, các đối tác phát triển quốc tế, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.
Về an ninh lương thực, phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững: Năm 2021, Chính phủ đã có Nghị quyết 34/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia đến năm 2030. Việt Nam cũng triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng cơ bản của nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được hoàn thiện, nhất là thủy lợi và phòng chống thiên tai. Trọng tâm thời gian tới của ngành nông nghiệp là tập trung chuyển đổi mô hình nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.
Về tăng trưởng xanh, ứng phó BĐKH: Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được ban hành nhằm giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH thông qua tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng; thúc đẩy lồng ghép thích ứng BĐKH vào hệ thống chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương. Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa nghĩa vụ và cam kết thực hiện giảm phát thải nhà kính vào hệ thống pháp luật.
Tháng 12/2022, Việt Nam đã cùng các nước G7 và một số đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), với mục tiêu huy động 15,5 tỉ USD trong 3 đến 5 năm để hỗ trợ tài chính và công nghệ chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án triển khai Tuyên bố JETP, nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng, có sự đồng thuận rộng rãi giữa các bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng. Đề án nêu rõ nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp bảo đảm công bằng như hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về cơ hội tiếp cận điện năng với giá thành hợp lý, thúc đẩy tạo việc làm xanh, bền vững, thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội.
Về cải cách hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực: Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” do Thủ tướng Chính phủ đề ra và quan điểm nhất quán không có vùng cấm, ngoại lệ trong xử lý tội phạm tham nhũng; gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, tăng cường trách nhiệm và sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách. Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ 01/7/2019 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống tham nhũng, quy định cụ thể các hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tiếp tục các nỗ lực xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả; trong đó chú trọng cải cách thể chế, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Bộ Nội vụ ban hành một số công cụ mới như Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được ban hành, với các nhiệm vụ cụ thể, các dịch vụ công thiết yếu được giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai. Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và các đại biểu tham dự Tọa đàm về tăng cường trao đổi, chia sẻ kiến thức về giáo dục quyền con người. (Ảnh: Văn phòng Thường trực về Nhân quyền)
Những thành tựu trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam đã chấp thuận trong thời gian qua thể hiện cam kết mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Phát huy những thành tựu đạt được và nỗ lực vượt qua các thách thức, Việt Nam cam kết tiếp tục thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới. Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với các nước trong chu kỳ UPR IV và tiếp thu, xem xét các khuyến nghị của các nước và sẽ ưu tiên triển khai các khuyến nghị phù hợp với ưu tiên và tình hình, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chính sách nhất quán của của Việt Nam là tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?