BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban cơ quan tháng 5/2024

06/05/2024 02:20 PM


Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam đã có báo cáo đánh giá tổng thể về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ trong toàn Ngành 4 tháng đầu năm 2024. Theo đó, toàn Ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Công tác thu, tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính,  truyền thông chính sách, pháp luật không ngừng được đẩy mạnh, đa dạng về nội dung, hình thức. Bên cạnh đó là các kết quả tích cực về thanh tra, kiểm tra; cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành.

BHXH Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự Luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT như: Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); tích cực phối hợp với Vụ, Cục Bộ Y tế giải quyết các vướng mắc trong KCB BHYT; đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, báo cáo cho biết, ước đến ngày 4/5/2024, toàn quốc có trên 17,407 triệu người tham gia BHXH, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,594 triệu người, tăng 1,56%; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,453 triệu người, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Về số người tham gia BHTN, toàn quốc có 14,249 triệu người; tăng 1,74% so với cùng kì năm 2023. Số người tham gia BHYT là 90,240 triệu người; tăng 0,02% so với cùng kì năm 2023. Lũy kế đến hết tháng 04/2024, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT của toàn Ngành là 155.406 tỷ đồng, tăng 10,04% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Một trong những điểm được BHXH địa phương đặc biệt quan tâm là tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào Nghị quyết của HĐND các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã. Chủ động tham mưu kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT.

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn đã báo cáo chi tiết tình hình triển khai ở một số lĩnh vực nghiệp vụ trong 4 tháng đầu năm; dự báo tình hình và kế hoạch, giải pháp những tháng trong năm, qua đó lãnh đạo Ngành cho ý kiến chỉ đạo và đề ra các biện pháp để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ Dương Văn Hào, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN toàn Ngành có nhiều tín hiệu tích cực. Số liệu cho thấy có 50 tỉnh tăng số tham gia BHXH bắt buộc, 28 tỉnh tăng BHXH tự nguyện, 48 tỉnh tăng BHYT. Về công tác thu, hiện đang thực hiện đúng theo tiến độ; số chậm đóng từ 1-3 tháng đã giảm so với cùng kỳ năm trước, quy trình thu, đôn đốc giảm số chậm đóng đang dần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn. Dù vậy, còn nhiều khó khăn thách thức để đạt chỉ tiêu được giao năm 2024.

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường phát biểu.

Về BHXH tự nguyện, hiện nay, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương cũng đã được kiện toàn. Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của tổ/thôn trưởng; qua đó tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp 3 bên, bao gồm cơ quan BHXH, tổ chức dịch vụ thu và chính quyền cấp xã. BHXH các địa phương phải đảm bảo vai trò điều phối, phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ thu; vừa đảm bảo không trống địa bàn nhưng cũng không được trùng chéo, lãng phí nguồn lực.

Về giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ cho biết sẽ chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt hơn các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường thanh tra – kiểm tra, xây dựng phần mềm số để xác định rõ hơn số liệu thu; tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm các mô hình để các địa phương tổ chức thực hiện; tiếp tục tổ chức đào tạo cho các nhân viên dịch vụ thu…từ đó phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT.

Về lĩnh vực BHYT, bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Phó Trưởng Ban THCS BHYT báo cáo đơn vị đã phối hợp tích cực và hiệu quả với ngành Y tế trong sửa Luật BHYT. Cùng với đó hướng dẫn BHXH các địa phương triển khai hiệu quả Nghị định 75 của Chính phủ, trong đó sớm giao dự toán và xây dựng tiêu chí để có những cảnh báo trong kiểm soát chi phí KCB BHYT trên tinh thần đặt quyền lợi của người dân đi KCB BHYT lên hàng đầu.

Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam Bùi Quang Huy cho biết, Thanh tra BHXH Việt Nam đã đôn đốc BHXH các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế có phát sinh chi phí KCB lớn, có dấu hiệu bất thường. Trong tháng 5, công tác này tiếp tục được tăng cường. Bên cạnh đó, sẽ yêu cầu BHXH các địa phương rà soát lại tình hình chi BH thất nghiệp và giải quyết BHXH một lần. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra chuyên ngành, đột xuất các đơn vị SDLĐ.

Liên quan giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHTN, theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ, đơn vị đã tích cực trong việc cho ý kiến xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) và triển khai chính sách cải cách tiền lương. Về lĩnh vực BHXH, đã có những chỉ đạo, hướng dẫn để BHXH các địa phương tập trung thực hiện, trong đó kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH.

Về lĩnh vực truyền thông, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Thị Thanh Hương đã thông tin một số kết quả truyền thông thời gian qua. Theo đó, Trung tâm đã bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, tập trung truyền thông theo định hướng từ đầu năm, truyền thông quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT; truyền thông việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo quy định mới cho người dân; truyền thông tác hại của việc nhân BHXH một lần. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Truyền thông cho biết sẽ bám sát các vấn đề của Quốc hội được dư luận quan tâm để có hướng truyền thông hợp lý; định hướng tuyên truyền, chuyển tải thông điệp về BHXH một lần, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ SDLĐ với việc đảm bảo an sinh dài hạn cho lực lượng lao động...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường lưu ý cần triển khai quyết liệt, tăng cường kiểm soát chi KCB BHYT, hạn chế vượt dự toán. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ chế chính sách quản lý, sẵn sàng phương án xử lý đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, thực trạng chậm đóng BHXH, BHYT cũng rất đáng lo. Cần phát huy vai trò Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các địa phương để tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giảm số chậm đóng BHXH, BHYT. Về số BHXH một lần, cần có thông điệp truyền thông tích cực, phù hợp với định hướng sửa đổi Luật BHXH để NLĐ nắm được thông tin, nhận thức đúng, toàn diện về nội dung này.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng chỉ đạo về lĩnh vực truyền thông, trong đó tăng cường chuyển tải các thông điệp tập trung vào mục tiêu phục vụ, đem lại lợi ích của người dân, DN; nâng cao hiệu quả quản lý, ngăn ngừa các hành vi trục lợi BHXH, BHYT.

Toàn cảnh hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn Ngành đạt được trong 4 tháng đầu năm. Tổng Giám đốc nhận định, các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành đều tăng so với cùng kỳ, cho thấy một khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức của năm 2024 là không ít nên toàn Ngành không được lơ là, chủ quan. 

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, thời gian qua, toàn thể CCVC, NLĐ toàn Ngành đã rất trách nhiệm, nhiều nội dung công việc quan trọng đã được triển khai nhanh chóng, đặc biệt là trong việc đảm bảo quyền lợi cho người dân, người hưởng chính sách BHXH, BHYT. Tổng Giám đốc yêu cầu, toàn Ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến nhiệm vụ của Ngành thời gian tới. Trong đó, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của Ngành để nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc, qua đó đưa ra các kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.

Công tác truyền thông cần tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó chú trọng dự báo, bám sát các biến động của kinh tế - xã hội, thị trường lao động liên quan đến hoạt động của Ngành để có các kế hoạch, kịch bản đi trước, hướng dẫn kịp thời, cụ thể các cá nhân, tổ chức tham gia. Công tác truyền thông, vận động cài đặt ứng dụng VssID- BHXH số cần tiếp tục tăng cường, để người lao động chủ động trong việc nắm bắt quá trình đóng - hưởng, góp phần cùng các cơ quan chức năng phát hiện xử, lý các hành vi vi phạm. Về ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ, Tổng Giám đốc chỉ đạo Trung tâm CNTT hoàn thiện các tính năng, tiện ích, thông tin để ngày càng thuận tiện, hữu ích hơn.

Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Về chuyển đổi số, Tổng Giám đốc chỉ đạo nhanh chóng triển khai các khâu kỹ thuật để đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng CSDL quốc gia về bảo hiểm; tối ưu hóa các DVC về BHXH, BHYT; truyền thông rộng rãi để người dân biết và sử dụng hiệu quả…

Cùng với đó, chủ động thông tin về các nội dung liên quan đến BHXH, BHYT được cử tri, đại biểu Quốc hội, nhất là các vấn đề đang được dư luận quan tâm trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, triển khai mạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng Vận động, triển khai BHXH toàn dân. Truyền thông mạnh mẽ về quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, nhấn mạnh các lợi ích về mặt quản lý, tính năng phục vụ người dân, DN tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.

Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, rà soát các kế hoạch, chương trình còn tồn đọng để ban hành kịp thời. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân, NLĐ, đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân KCB BHYT; Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của Ngành và phối hợp, tham mưu tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Đặc biệt, quyết liệt đôn đốc các đơn vị còn chậm đóng, nợ đóng, tiến hành thanh tra đột xuất, thanh tra thường xuyên nhằm giảm nợ; đẩy mạnh đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ thanh tra; công tác quản lý thu – chi cần phối hợp tốt giữa các cấp chính quyền, địa phương; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, truyền thông dịch vụ công toàn ngành, chuyển đổi số và cải cách hành chính./.

Thắng Trần