BHXH Việt Nam: Quyết tâm “về đích” trong 6 tháng cuối năm 2023
13/07/2023 02:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 13/7, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Cùng tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường; Các Phó Tổng Giám đốc: Đào Việt Ánh, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh; đại diện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; cùng đại diện BHXH các tỉnh, thành phố tại các điểm cầu trong toàn quốc.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân trong mọi hoàn cảnh
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, giữa bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen, kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của kinh tế thế giới, ngành BHXH Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực trên mọi mặt công tác. Theo đó, toàn ngành đã chủ động bám sát, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nhằm hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể: Công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022 với khoảng 17,48 triệu người tham gia BHXH, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, Ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,8 triệu người tham gia (tăng 4,35 triệu người so với cùng kì năm 2022). Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 220.688 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT: Mặc dù số người hưởng các chế độ BHXH đều tăng nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Kết quả, ngành BHXH Việt Nam ước giải quyết 37.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 4.386.236 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết 499.824 người hưởng các chế độ BHTN; trong đó 368.028 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 8.000 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.
Ngành BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 9.013 đơn vị (bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2022). Số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 648,5 tỷ đồng; số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng trong thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp là 425,4 tỷ đồng (đạt 65,6%, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022). Đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bằng 476% so với cùng kỳ năm 2022) với số tiền xử phạt 15 tỷ đồng (bằng 140,2% so với cùng kỳ năm 2022).
Nhiều giải pháp tăng cường thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT đã được toàn Ngành triển khai, trong đó công tác truyền thông được đẩy mạnh. Cụ thể, BHXH các tỉnh đã tổ chức khoảng 11.200 hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với khoảng 527.100 lượt người tham dự, trong đó có khoảng 9.840 hội nghị về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (87,9%). Duy trì và tăng cường mô hình truyền thông nhóm nhỏ với khoảng 58.400 cuộc cho khoảng 413.100 lượt người...
Công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành tiếp tục được chú trọng.Trong đó đẩy mạnh việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia; Thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Một trong những điểm được BHXH địa phương đặc biệt quan tâm là tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào Nghị quyết của HĐND các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã. Chủ động tham mưu kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT.
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn đã báo cáo chi tiết tình hình triển khai ở một số lĩnh vực nghiệp vụ trong 6 tháng đầu năm; dự báo tình hình và kế hoạch, giải pháp cho năm 2023, qua đó lãnh đạo Ngành cho ý kiến chỉ đạo và đề ra các biện pháp để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Về các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ Dương Văn Hào nhận định, mặc dù các chỉ tiêu phát triển người tham gia đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên kết quả phát triển tại một số tỉnh, thành phố có dấu hiệu chững lại và chưa đạt kỳ vọng để “về đích” theo kế hoạch BHXH Việt Nam đề ra. Một phần nguyên nhân do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế - xã hội cả nước, một khó khăn nữa do tình trạng nhiều DN trên cả nước đang phải duy trì tình trạng hoạt động cầm chừng, trong đó nhiều DN phải duy trì lao động bằng chế độ làm việc luân phiên, đồng thời nhiều lĩnh vực việc làm diễn ra tình trạng sụt giảm lao động trên diện rộng cũng ảnh hưởng đến “bức tranh” phát triển người tham gia.
Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ Dương Văn Hào yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, trong đó bám sát tình hình thực tiễn của các nhóm lao động ở địa phương. Đồng thời cần bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam; tham mưu chính quyền địa phương giao chi tiêu đến từng quận huyện, ban hành các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên không nên dàn trải mà cần tập trung vào những nhóm lớn, đã được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, các địa phương cần khẩn trương kiện toàn các ban chỉ đạo về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn đến cấp huyện, cấp xã, tăng cường trách nhiệm, nhận diện rõ các bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Về lĩnh vực BHYT, đại diện Ban Thực hiện Chính sách BHYT thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình KCB BHYT trên toàn quốc có sự gia tăng rất lớn so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, một số địa phương tăng đến 60 -70%, vì vậy, BHXH các tỉnh, thành phố cần đánh giá rủi ro, tìm hiểu nguyên nhân để phục vụ công tác KCB và giám định BHYT. Bên cạnh đó, các tỉnh cần thực hiện đúng quy trình giám định BHYT, việc cập nhật số liệu cần đảm bảo tiến độ và chất lượng; tăng cường phối hợp với Sở Y tế tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đảm bảo, tăng cường quyền lợi cho người KCB BHYT.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Liên quan giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết, 06 tháng đầu năm, BHXH các tỉnh thành phố đã rất nỗ lực trong việc giải quyết chế độ BHXH cho người dân, đồng thời kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH. Trong đó, một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương đã làm tốt công tác rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm. Thời gian tới cần sự phối hợp, thống nhất cao giữa hai ngành BHXH và ngành Công an trong việc xử lý, xét xử các hành vi trục lợi, đồng thời cần có chế tài xử lý mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng nêu trên...
Vụ Thanh tra - kiểm tra cũng cho biết, đã tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai công tác thanh tra, kiểm tra năm 2023. 06 tháng cuối năm, toàn ngành sẽ tập trung việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT; hướng dẫn kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ BHXH một lần, tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tế.
Đại diện một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai… đã phát biểu, nêu các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023; đồng thời. nêu giải pháp thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao…
Kiên định với các chủ trương đề ra
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn Ngành đạt được trong 6 tháng đầu năm. Các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành đều tăng so với cùng kỳ, là tiền đề quan trọng để toàn Ngành thực hiện nhiệm vụ của năm. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức là không ít nên toàn Ngành không được lơ là, chủ quan. Tổng Giám đốc yêu cầu toàn ngành kiên định, thực hiện nhiệm vụ linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chủ trương lãnh đạo ngành đề ra từ đầu năm.
Toàn Ngành cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT, trong thời gian tới, trong đó xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời rà soát, nhận diện các rủi ro mà diễn biến thực tiễn hiện nay có thể xảy ra, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp trong triển khai nhiệm vụ. BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tăng cường quản lý các đại lý thu, giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Toàn cảnh hội nghị.
Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, rà soát các kế hoạch, chương trình còn tồn đọng để ban hành kịp thời. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân, NLĐ, đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân KCB BHYT; Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của Ngành và phối hợp, tham mưu tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Đồng thời các đơn vị chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; phối hợp với ngành thuế, công an trong phân tích dữ liệu người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác TTKT đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của Bộ Thông tin & Truyền thông để hoàn thiện các ứng dụng CNTT của ngành, qua đó đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Công tác vận động cài đặt ứng dụng VssID- BHXH số cần tiếp tục tăng cường, bổ sung thêm các tính năng, tiện ích, thông tin để ngày càng thuận tiện, hữu ích hơn để người lao động chủ động trong việc nắm bắt quá trình đóng - hưởng, góp phần cùng các cơ quan chức năng phát hiện xử, lý các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, quyết liệt đôn đốc các đơn vị còn chậm đóng, nợ đóng, tiến hành thanh tra đột xuất, thanh tra thường xuyên nhằm giảm nợ; Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt; xây dựng kịch bản truyền thông phù hợp ở các cấp trung ương, địa phương, tập trung nêu các kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam đã mang lại lợi ích gì cho người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN. “Các đơn vị cần chủ động, tăng cường hơn nữa kỷ cương kỷ luật, phân công rõ người, rõ việc và gắn trách nhiệm người đứng đầu…”- Tổng Giám đốc chỉ đạo./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?