Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, tài sản ngành BHXH Việt Nam

05/05/2023 12:53 PM


Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị số 49/CT-BCSĐ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, tài sản ngành BHXH Việt Nam.

Theo nội dung Chỉ thị, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT với quan điểm xuyên suốt “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ” và phương châm hành động trong toàn Ngành “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả”.

Ngành BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có, nâng cao ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị; đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính, tài sản. Đến nay, về cơ bản, công tác quản lý tài chính, tài sản trong Ngành đã dần đi vào nề nếp, hệ thống văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo thực hiện thống nhất, phù hợp với thực tiễn...

Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra cơ sở vật chất, hoạt động tại Trung tâm Lưu trữ

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý tài chính, tài sản, kế toán tại một số đơn vị vẫn còn những sai sót chưa khắc phục triệt để. Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, tài sản và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, tài sản, kế toán, Bí thư Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh); Giám đốc BHXH các quận, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh (BHXH huyện) nâng cao nhận thức, thường xuyên quán triệt việc chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền.

Trong đó, tập trung chỉ đạo, khẩn trương rà soát các quy định, văn bản hiện hành liên quan đến công tác quản lý tài chính, tài sản, kế toán để sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn, theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với kiểm tra, giám sát, rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những quy định không còn phù hợp, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, làm thất thoát, lãng phí NSNN và các nguồn lực xã hội.

Các chủ tài khoản và kế toán trưởng các cấp thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và chi phí quản lý BHXH, BHYT và các quỹ cơ quan đảm bảo nguyên tắc đúng quy trình, quy định của pháp luật BHXH, BHYT, Luật Đấu thầu, Luật Kế toán và các luật, văn bản hướng dẫn có liên quan, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Nghiêm cấm để các khoản thu ngoài sổ sách kế toán; lập, phân bổ, giao dự toán đúng quy định, quy trình, sát với thực tiễn, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khi xây dựng kế hoạch, lập dự toán đến khi triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí tạm ứng, cấp kinh phí, thanh quyết toán giữa cấp trên với cấp dưới, với cơ sở KCB đúng quy định; chỉ tiêu đúng mục đích, nội dung, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo hồ sơ, chứng từ hợp pháp, hợp lý và chỉ thực hiện khi đã được bố trí nguồn kinh phí, trong phạm vi dự toán được giao; quản lý chặt chẽ công nợ. 

Chấp hành nghiêm các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo công khai minh bạch trong mua sắm, quản lý, khai thác, sử dụng và xử lý tài sản công. Tăng cường quản lý, sử dụng xe ô tô công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp lại, xử lý tài sản công, tập trung giải quyết ngay việc sắp xếp xử lý nhà, đất, tài sản ở các đơn vị sau sáp nhập, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích. 

Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác quản lý tài chính, tài sản, kế toán đối với các đơn vị cấp dưới trực thuộc; khen thưởng, động viên tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm minh, kịp thời tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy kế toán theo hướng hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính, tài sản, kế toán cho đội ngũ CCVC (đặc biệt là viên chức kế toán tại các đơn vị). Nâng cao trách nhiệm của kế toán trưởng trong quản lý, sử dụng tài sản, các nguồn kinh phí và công tác hạch toán kế toán. 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, kế toán ;đảm bảo xây dựng CSDL tập trung, liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản, kế toán.

Bí thư Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam; cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Giám đốc BHXH tỉnh và Giám đốc BHXH huyện chịu trách nhiệm quán triệt, phổ biến tới toàn thể CCVC, NLĐ và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Vụ Tài chính-Kế toán kiểm tra, đôn đốc và chủ trì hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện Chỉ thị. 

PV