Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh làm việc tại BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế

04/07/2022 09:33 AM


Ngày 3/7, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2022. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Ngày 3/7, tại Thừa Thiên Huế, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2022. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Đến tháng 6/2022, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh là 146.210 người, chiếm tỷ lệ 28,89% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó, 127.749 người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm tỷ lệ 25,24%; 18.461 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ lệ 3,65%; 1.144.762 người tham gia BHYT, độ bao phủ BHYT đạt 99,2% so với dân số toàn tỉnh.

Nửa đầu năm 2022, BHXH tỉnh đã giải quyết 406 hồ sơ hưởng các chế độ  hàng tháng và trợ cấp một lần cho 5.600 người hưởng (trong đó 5.000 hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH 1 lần). Giải quyết chế độ ngắn hạn cho 61.500 lượt người. Quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 32.300 người hưởng. Chi trả 3.800 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp. BHXH tỉnh đã ký hợp đồng KCB BHYT với 43 cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh, tổng chi phí trong 6 tháng là 1.000 tỷ đồng, giảm 36 tỷ đồng (tương ứng giảm 3,2%) so với 6 tháng 2021. Tỷ lệ sử dụng chi phí BHYT 6 tháng đầu năm là: 46,1% (6 tháng 2021 là 49,7%).

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Đến nay, toàn ngành BHXH tỉnh tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch tại 64 đơn vị và thanh tra đột xuất tại 07 đơn vị SDLĐ. Kiểm tra 48 đơn vị. Qua thanh tra, đã đôn đốc các đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT chuyển nộp tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền là 4.570 triệu đồng. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 01 đơn vị.

Về sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT: Tính đến 27/6/2022, trên địa bàn tỉnh số lượng xác thực lấy số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 622.661 trường hợp thẻ BHYT còn hạn; toàn tỉnh đã có 67 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân với 2.048 lượt tra cứu, trong đó có 1.252 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Tiếp tục tuyên truyền, vận động cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID: Tính đến 20/6/2022 số lượng đăng ký tài khoản VssID-BHXH số đạt 280.847 người.

Về hỗ trợ người lao động từ quỹ BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP: Tính đến 31/12/2021: BHXH tỉnh đã xét duyệt cho 105.407 người hưởng với số tiền 259,2 tỷ đồng. Đã thực hiện chi trả cho 96.700 người với tổng số tiền là 233,96 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91,7% trên tổng số  người đã được xét duyệt. Tuy nhiên, đến ngày 25/12/2021, BHXH tỉnh đã tạm ngừng chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động vì kinh phí chi trả đã hết. Số người đã được xét duyệt hồ sơ nhưng chưa chi trả tính đến nay là 8.707 người với tổng số tiền 25,24 tỷ đồng.

Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Viết Dũng báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của BHXH tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Viết Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn ngành BHXH tỉnh đã đồng lòng, phấn đấu hoàn thành suất xắc các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, bất cập tại địa phương, đó là việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn, số người BHXH tự nguyện giảm so với cuối năm 2021, nguyên nhân chủ yếu do tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ năm 2022. Đồng thời, do thiên tai, dịch bệnh nên người dân gặp khó khăn, không tiếp tục tham gia.

Cùng với đó, số người tham gia BHYT giảm nhẹ so với cuối năm 2021, chủ yếu do giảm đối tượng tại các địa bàn mới ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (toàn tỉnh có 36.824 người tại 6 xã ra khỏi diện chính sách vào đầu năm 2022). Hiện nay, vẫn còn nhiều hộ gia đình rất khó khăn về kinh tế không có điều kiện để mua thẻ BHYT. Đồng thời, có một số lớn người dân ở các xã này, đi làm ăn xa, nhưng không làm thủ tục giảm người ở hộ khẩu của gia đình, nay không còn được hưởng chính sách, trở lại tham gia BHYT ở các tỉnh khác.

Một khó khăn nữa đó là từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nên việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã đánh giá cao và biểu dương những kết quả toàn thể công chức, viên chức BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực trong thời gian qua. Tổng Giám đốc nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế là một tỉnh đặc thù, do đó việc phát triển mục tiêu an sinh xã hội bền vững là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn. Tổng Giám đốc mong muốn trong thời gian tới, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, toàn bộ công chức, viên chức đồng lòng, tâm huyết với nghề, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung vào công tác tham mưu, phối hợp triển khai chính sách với các sở, ngành và chính quyền địa phương. Cần giao được chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT tới tận các xã, phường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền người dân tham gia chính sách. Để mở rộng độ bao phủ, trước tiên cần giữ được tỷ lệ 99,2% người dân tham gia BHYT, từ đó tuyên truyền để người dân tiếp tục tham gia. Đồng thời, cần tiếp tục tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công việc đạt hiệu quả cao; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi người tham gia... Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành BHXH, BHYT; kiên quyết phối hợp xử lý, chấn chỉnh các cá nhân, đơn vị vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử đối với cá nhân; triển khai ứng dụng VssID-BHXH số trên nền tảng thiết bị di động. Đặc biệt, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch làm việc, bảo đảm giải quyết đúng và kịp thời các chế độ cho người tham gia và thụ hưởng./.

PV