Phát huy vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững

07/04/2022 08:13 AM


Chiều 6/4, Hội nghị "Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững" được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Hội nghị do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện thế giới cùng phối hợp tổ chức.

Hội nghị về "Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững" là hoạt động đầu tiên của Quốc hội khóa XV về phát triển bền vững. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự tham gia của các đại biểu Quốc hội trong việc thúc đẩy Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia. Chương trình nghị sự 2030 bao trùm mọi lĩnh vực, như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục; là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh, tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng.

Đối với Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, phát triển nhanh và bền vững được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Để tạo nguồn lực phục vụ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội đã xem xét, phê duyệt phân bổ ngân sách đầu tư và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn 2016 - 2021 và 2021 - 2025 trong đó lồng ghép thực hiện yêu cầu phát triển bền vững.

Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, gồm: Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về phát triển khoa học công nghệ, việc thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tham gia chủ động, tích cực tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương và khu vực nhằm thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; đóng góp các đề xuất tăng cường hành động của Quốc hội các nước trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong khi Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chung tay nỗ lực để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, đại dịch COVID-19 xảy ra, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ở hầu hết các lĩnh vực, làm gia tăng số người thất nghiệp và đình trệ các hoạt động kinh tế, xã hội. Đối với Việt Nam, điển hình có thể thấy, tăng trưởng GDP năm 2020, 2021 chỉ đạt tương ứng 2,91% và 2,58%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ hàng thập kỷ trở lại đây, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 6-6,5% cho hai năm 2020 và 2021.

Mặc dù đứng trước những thách thức chưa từng có, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân trên toàn quốc, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát. Hiện nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Đại dịch COVID-19 đã có những tác động đáng kể tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam đã nỗ lực duy trì và tiếp tục đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ và được cộng đồng quốc tế ghi nhận với chỉ số thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, song Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để có thể duy trì thành quả đã đạt được và hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Trong đó có 8 thách thức lớn. Nền kinh tế của Việt Nam đã và đang chịu nhiều tác động nặng nề và đa diện từ đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến các các nguy cơ như tăng trưởng chững lại và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác. Sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Khuôn khổ luật pháp, chính sách của Việt Nam mặc dù ngày càng hoàn thiện, nhưng vẫn còn sự chồng chéo, thiếu đồng bộ; hiệu lực thi hành chính sách chưa cao. Việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững hiện nay và trong những năm tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động toàn diện trên phạm vi toàn cầu. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt.

Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong khẳng định các Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo công tác giám sát, thúc đẩy sự hành động mạnh của các Chính phủ.
Theo Tổng Thư ký IPU, Nghị viện các nước ở vị thế để đưa ra khuôn khổ chính sách, pháp luật, thông qua ngân sách bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, đòi hỏi quyết tâm chính trị của các nước trong bảo đảm thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó hợp tác là một trong những yếu tố quan trọng. Tổng Thư ký IPU cũng nhấn mạnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, là gánh nặng nhất là với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Do đó đòi hỏi hoàn thiện chính sách, pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu trong nước và cam kết quốc tế, kết nối với các mục tiêu phát triển bền vững, công bằng cho các đối tượng nhất là các nhóm đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong quá trình đó, vai trò của các nghị sĩ/đại biểu Quốc hội góp phần bảo đảm ưu tiên đúng đắn, gắn kết với các cam kết phát triển bền vững cũng như có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện các mục tiêu cụ thể.

Tổng Thư ký IPU cũng cho rằng Hội nghị lần này thực sự là cơ hội vàng để tiếp tục thảo luận nhằm phát huy vai trò của Quốc hội/Nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia; trao đổi kinh nghiệm trong việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững với các hoạt động của Quốc hội nhất là hoàn thiện chính sách, pháp luật, phân bổ ngân sách… qua đó mở ra con đường thúc đẩy thực hiện mục tiêu chung.

Theo TTXVN