Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

29/03/2022 03:49 PM


Sáng 18/3, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng hướng dẫn thực hiện nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức cho biết, hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phát biểu khai mạc hội thảo
Theo ông Tô Đức, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 có nhiều thay đổi so với Chương trình các giai đoạn trước và đặt ra các mục tiêu, tiêu chí rất cụ thể. Đó là hỗ trợ người nghèo theo hướng đa chiều, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao thu nhập, vượt qua mức sống tối thiểu và hỗ trợ giải quyết những thiếu hụt trong xã hội. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các mục tiêu bao trùm (phát triển bền vững, tiến tới xóa nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi chiều, mọi thời điểm) theo cam kết quốc tế.
Những mục tiêu trên đặt ra yêu cầu cần đổi mới nội dung và cách thức giải quyết các dự án. “Chúng ta bổ sung dự án mới về cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo. Đây là một nội dung rất mới và được Bộ Y tế chủ trì xây dựng. Đồng thời chúng ta cũng bổ sung một dự án mới khác đó là hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.” - ông Tô Đức chia sẻ.
Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo mong muốn, trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu sẽ trao đổi một cách thực chất, đi sâu vào vấn đề để bảo đảm những mô hình, cách thức triển khai dự án đơn giản, dễ thực thi, bảo đảm tính bền vững, hiệu quả để người dân thực sự nâng cao ý thức, năng lực để tự thoát nghèo khi chương trình kết thúc.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo
Tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 thể hiện nhiều nội dung đổi mới, kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm trong 20 năm qua trong thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Patrick Haverman đề xuất, đại diện của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, đối tác phát triển, chuyên gia tại hội thảo sẽ tích cực chia sẻ, thảo luận, thống nhất các giải pháp sáng tạo phù hợp với bối cảnh mới để phát huy tối đa nguồn lực đầu tư của nhà nước trong việc thực hiện các mô hình phát triển sinh kế. Các chuyên gia tư vấn của UNDP và chương trình GREAT cũng sẽ trình bày cụ thể với hội thảo những đề xuất giải pháp sáng tạo, cơ chế đổi mới để có thể sớm hoàn thiện thông tư hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.
Tiếp đó, đại diện các địa phương đã chia sẻ các mô hình thành công trong phát triển sinh kế, thu nhập cho các hộ/người nghèo. Như mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản cho đồng bào dân tộc Cor ở Quảng Ngãi. Mô hình được triển khai từ năm 2014 với 14 hộ tham gia. Kết quả, khi kết thúc dự án, 100% số hộ tham gia mô hình đã thoát nghèo thành công, thu nhập bình quân từ đàn bò cho mỗi hộ gia đình từ 12-18 triệu đồng/năm.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, địa phương và nhóm tư vấn UNDP, GREAT cũng chia sẻ, đề xuất những nội dung đổi mới, làm đầu vào cho dự thảo hướng dẫn. Theo đó, các dự án liên quan đến phát triển sinh kế, tạo thu nhập của các Chương trình MTQG cần bảo đảm tính bổ trợ lẫn nhau theo chuỗi giá trị, tránh chồng chéo/trùng lặp.
Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế mở để chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội và người dân tham gia các hoạt động, dự án đa dạng sinh kế, mô hình giảm nghèo. Tạo mạng lưới để các bên liên quan gặp gỡ, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau và cùng phát triển.
Ngoài ra, cần có tiêu chí lựa chọn hỗ trợ những hộ, cộng đồng nghèo có cam kết vượt khó, vươn lên thoát nghèo; có sự bảo đảm và đồng hành của chính quyền xã, theo dõi giám sát của thôn/bản.
Cuối cùng, cần có hợp phần hỗ trợ kỹ thuật đồng hành cùng các mô hình/giải pháp sáng tạo để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và nhân rộng của mô hình/dự án.

 

PV