WB: Kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến tích cực trong tháng 1/2022

18/02/2022 10:37 AM


Ngày 17/2, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản tin cập nhật tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2 năm 2022.

Người dân đến mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương. Ảnh tư liệu: Hải Âu/TTXVN

Theo đó ghi nhận, trước dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine đã vượt mốc 73% dân số trên cả nước nên nhiều chỉ số kinh tế đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, dù tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng trưởng dương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 6,7% so với tháng 12/2021 và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số này phục hồi nhờ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với hàng hóa khi các hộ gia đình chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Doanh số bán lẻ hàng hóa, chiếm trên 80% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 7,0% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 5,2% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù xuất khẩu giảm tốc, tăng trưởng chậm lại nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Tháng 1/2022, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giảm tốc xuống 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu vẫn được duy trì vững chắc ở tốc độ 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu giảm tốc do kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm 26,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như: máy tính, điện tử và máy móc cũng giảm đáng kể. Riêng xuất khẩu dệt may vẫn tăng trưởng vững chắc và tăng tốc từ 27,7% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ thị trường Hoa Kỳ. Theo đối tác thương mại, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ 19,4% so với cùng kỳ năm trước thì tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2021 do giảm xuất khẩu điện thoại và máy tính sang thị trường này.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân vào Việt Nam cũng có khởi đầu vững chắc trong năm 2022. nViệt Nam đã thu hút được 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1/2022, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trên có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động.

Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, đạt trên 400 triệu USD (tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký). Vốn đăng ký chủ yếu vẫn là  các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ gần 60%, bất động sản 22,5%... Sau khi giảm mạnh trong quý III/2021, sang tháng 1/2022, vốn giải ngân từ các dự án FDI đã được phê duyệt tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

WB ghi nhận, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2021, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận hồi cuối năm trước. Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý) tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Bên cạnh đó, tình hình tín dụng trong tháng 1/2021 cũng tăng trưởng nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng trước Tết của các doanh nghiệp và hộ gia đình khiến lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng tăng mạnh.

Trong tháng 1/2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 đã được Chính phủ ban hành. Theo đó, các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách có tổng quy mô tương đương khoảng 4,5% GDP cũng được đánh giá lại. Chương trình tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và bổ sung thêm vốn đầu tư công.

Theo các chuyên gia WB, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần được bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội để hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả và Chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, việc triển khai thực hiện Chương trình này cần được theo dõi chặt chẽ. WB khuyến cáo khu vực tài chính cần tiếp tục duy trì sự thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vẫn đang tác động đến nền kinh tế và cú sốc mới liên quan đến khả năng tăng lãi suất ở Mỹ có thể xảy ra.

PV (Theo TTXVN)