Hà Nội yêu cầu cách ly tập trung người nhập cảnh từ quốc gia có Omicron

28/12/2021 09:29 PM


Ngày 27/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 310/KH-UBND về việc ứng phó với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Người nhập cảnh từ quốc gia có biến chủng Omicron phải cách ly tập trung. Ảnh minh họa - nguồn Internet

UBND Thành phố yêu cầu, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tổ chức giám sát người nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tăng cường giám sát, phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời các trường hợp người nhập cảnh có triệu chứng sốt, ho, đặc biệt là các hành khách hoặc chuyến bay đến/về từ các quốc gia ghi nhận ca bệnh mắc biến chủng Omicron. 

Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, đặc biệt, yêu cầu hành khách nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ khi nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường việc kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, việc khai báo y tế của hành khách nhập cảnh. Đồng thời, tăng cường rà soát các hành khách nhập cảnh có tiền sử đến/về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique…).

Tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Đối với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này, bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc COVID-19 trước đó.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp... 

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã, phường, thị trấn cần tăng cường giám sát, quản lý, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh, người lao động về lưu trú tại địa phương, đặc biệt là người trở về từ các quốc gia đã ghi nhận sự có mặt của biến chủng Omicron. Cùng với đó, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, giảm hoặc mất vị giác/khứu giác, khó thở để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố dịch tễ là người nhập cảnh hoặc thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài.

Để phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 với biến chủng Omicron, UBND Thành phố cũng đề nghị tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại các cơ sở y tế, trong cộng đồng, tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các trường hợp có liên quan người nhập cảnh. Đặc biệt, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh trái phép để tiến hành cách ly kiểm dịch, xét nghiệm theo quy định.

Các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gene S trong các mẫu xét nghiệm gene RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2.

Lựa chọn ngẫu nhiên hoặc có chủ đích dựa vào kết quả điều tra dịch tễ các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 để làm xét nghiệm giải trình tự gen đối với bệnh nhân trong 3 nhóm sau: Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, đặc biệt là người đi đến/về từ các nước đã ghi nhận biến chủng Omicron; người tái nhiễm COVID-19 (có xét nghiệm RT-PCR dương tính sau 2 tháng khỏi bệnh); bệnh nhân trong các ổ dịch phức tạp có số mắc cao.

Ngoài ra, có thể tổ chức giám sát ngẫu nhiên một số trường hợp nghi ngờ khác tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới. 

Theo Kế hoạch 310/KH-UBND, khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Thành phố, tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với người tiếp xúc gần (F1). Cùng với đó, theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong.