Đẩy mạnh phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

08/11/2021 09:20 AM


Là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều 6/11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 10/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh nước ta sau cao điểm phòng chống đại dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4, đến nay tình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Kinh tế - xã hội tháng 10 có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc do đã chuyển hướng chiến lược từ tập trung sang phân cấp tới tận cơ sở trong triển khai các biện pháp y tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. 

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP

Sau hơn 3 tuần thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 đã có nhiều chuyển biến tích cực; củng cố niềm tin, tinh thần phấn khởi, lạc quan của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, di chuyển của người dân, người lao động dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình doanh nghiệp trong tháng 10 có sự phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng trước. Từ giữa tháng 10/2021 đến nay, khoảng hơn 75% lao động đã trở lại các đô thị lớn, khu công nghiệp, giúp giảm áp lực thiếu lao động cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 tăng 6,4% so với tháng trước; đáng chú ý là tháng 10 đã xuất siêu trở lại sau nhiều tháng nhập siêu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, các chỉ số trong tháng 10 rất tích cực; cầu tiêu dùng tăng trở lại; xuất siêu trở lại trong tháng 10 trong khi 9 tháng trước là nhập siêu. Đầu tư nước ngoài tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài về sự hồi phục kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đảm bảo cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế; trong10 tháng đầu năm tín dụng tăng; mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai hỗ trợ giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp. Lạm phát được kiểm soát, đảm bảo chỉ tiêu của Quốc hội dưới 4%.

Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh một số rủi ro, trong đó có sức ép lạm phát. Hiện lạm phát ở mức tương đối thấp, đảm bảo chỉ tiêu của Quốc hội dưới 4%; tuy nhiên, sức ép lạm phát tăng dần, trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới tăng.

Bên cạnh đó là nguy cơ nợ xấu. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nợ xấu vẫn ở mức dưới 2%, nhưng các khoản nợ xấu tiềm ẩn do chính sách hỗ trợ hoãn, giãn có thể khiến nợ xấu lên mức 7 - 8%; nếu doanh nghiệp còn khó khăn do dịch thì nợ xấu có thể tiếp tục tăng. Các chuyên gia trong và ngoại nước cũng có khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có lộ trình để giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, so với thời điểm cách đây 1 tháng, trước khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, số ca mắc trong cộng đồng giảm 66,7%; số tử vong giảm 64,6%; số ca điều trị giảm 97,3%.

"Điều này phần nào thể hiện rõ hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine. Cơ bản hiện nay các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP" - Bộ trưởng Y tế cho biết.

Đến thời điểm này, trong tổng số 195 triệu liều vaccine đã có hợp đồng hay có thỏa thuận cung ứng thì 124 triệu liều đã về Việt Nam. Có 109 triệu liều đã được phân bổ cho các địa phương, số còn lại đang được phân bổ tiếp. Có 88 triệu liều vaccine đã được tiêm, ngày hôm qua có tới 2 triệu liều đã được tiêm.

Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam có 27,7 triệu người trên 18 tuổi và tổng số vaccine đã được phân bổ cho khu vực này là 51,7 triệu liều. Tính chung cả khu vực này, có 94,7% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1; 51,5% trong số đó đã được tiêm mũi 2. Bộ Y tế tiếp tục coi đây là khu vực trọng điểm để cung ứng vaccine và bảo đảm thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Về tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đến nay, tất cả các địa phương đều tiêm an toàn, không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập (có hơn 19.200 cơ sở). Theo Bộ trưởng, số người lao động trong lĩnh vực này đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Nếu các trường, lớp mầm non ngoài công lập này phải giải thể thì có khoảng 1,2 triệu trẻ không có chỗ trông gửi, bố mẹ của trẻ không thể đi làm được, lao động, sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp, nguồn ảnh VGP

Phát huy tinh thần đoàn kết trong thực hiện mục tiêu kép

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự kiện quan trọng trong tháng 10 là kể từ ngày 11/10, “chúng ta bắt đầu đổi mới tư duy, phương pháp cũng như cách tổ chức thực hiện công tác phòng chống COVID-19 sang một giai đoạn mới, từ chủ trương theo đuổi ‘zero-COVID’ sang chủ trương thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Cụ thể là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800. Các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản đồng tình và tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 128. Khi chuyển trạng thái có thể xảy ra “vấn đề này, vấn đề kia” nhưng quan trọng nhất là chúng ta phát hiện ra, điều chỉnh và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời.

Thủ tướng nêu rõ, “không có lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có lựa chọn tối ưu”, và sự tối ưu được chứng minh qua thực tiễn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thủ tướng cho biết, chỗ nào phát sinh ổ dịch thì tập trung dập dịch theo đúng 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Nếu một tổ dân phố có dịch thì cả phường, cả xã phải lo; một phường, một xã mà bị thì cả huyện phải lo; một huyện mà bị thì cả tỉnh phải lo; một tỉnh mà bị thì cả khu vực phải lo. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng tham gia hỗ trợ các địa phương.

Nhắc lại tình hình tháng 10, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt công tác, hoàn thành khối lượng lớn công việc, bao gồm chuẩn bị cho kỳ họp Trung ương 4 (khóa XIII), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, tập trung cho công tác đối ngoại, cả đa phương và song phương.

Để hoàn thành tốt các công việc này, Thủ tướng cho rằng có sự đoàn kết, thống nhất, quyết liệt, chủ động, sáng tạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Đề cập cụ thể đến tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng khẳng định, có nhiều điểm tích cực. Trước hết, dịch bệnh dần được kiểm soát, thực hiện quyết liệt chính sách an sinh xã hội, chiến lược vaccine được đẩy mạnh (gồm cả nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và tiêm chủng).

Nhắc lại chuyến tham dự COP26, thăm làm việc Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng cho biết khi làm việc với lãnh đạo các cơ quan, tổ chức như AstraZeneca, chương trình COVAX thì đều nhận được cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vaccine cho Việt Nam. “Ngay khi tới Paris, Pháp, tôi đã gặp bà Giám đốc điều hành Chương trình tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX và bà đã hứa trong tháng 11, cung cấp đủ cho chúng ta hơn 38 triệu liều”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đang phục hồi, xuất nhập khẩu duy trì đà tăng tích cực; khắc phục được nhập siêu và trở lại xuất siêu. Giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát được kiểm soát tốt. Về xu hướng thu hút FDI gia tăng, Thủ tướng lưu ý phải làm tốt hơn nữa công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng cho biết trong các chuyến thăm Anh, Pháp, các nhà đầu tư nước ngoài đều thể hiện tin tưởng đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với con người Việt Nam và ổn định chính trị, cho rằng khó khăn của Việt Nam là nhất thời.

Các đại biểu dự phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, cần nhìn nhận rõ các rủi ro, thách thức. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; rủi ro tài khóa, nợ công, sức ép lạm phát...

Trước thách thức dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, không chần chừ, nhất là tập trung cho các địa bàn, khu vực trọng điểm như các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hiện nay chúng ta đã có hơn 120 triệu liều vaccine mà mới tiêm được 88 triệu liều, Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu tiêm hết số vaccine còn lại trong tháng 11.

Thách thức, khó khăn nữa là hoạt động bán lẻ đã phục hồi nhưng còn yếu. Do đó, cần kích thích tiêu dùng nội địa. Cho rằng đầu tư công còn bất cập, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phân tích rõ nguyên nhân, điểm nào do thể chế chính sách, do khâu tổ chức thực hiện. Phải tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công.

Mặc dù tình hình doanh nghiệp đã phục hồi, số doanh nghiệp trở lại hoạt động nhiều hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhưng doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; giữ vững chủ quyền, lãnh thổ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thủ tướng lưu ý, phải tăng cường năng lực y tế, nhất là về nguồn nhân lực; chăm lo an sinh xã hội cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn, sức chống chịu chưa cao. Kết hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tạo đòn bẩy cho phục hồi kinh tế. Khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ đã được thông qua gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống tiêu cực, nhũng nhiễu; tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành trong đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Để có thể tập trung mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh muốn vậy, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Bộ Y tế cần tổ chức chiến dịch cho các tỉnh tiêm vaccine còn chậm.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình tiêm vaccine cho học sinh, cùng với biện pháp 5K, để tiến tới mở cửa trường học với tinh thần mở cửa phải bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng cũng lưu ý, các thành viên Chính phủ chuẩn bị kỹ, bảo đảm chất lượng, tiến độ các báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, kịp thời cung cấp thông tin, giải trình, trả lời chất vấn.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; xem xét báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP quý III/2021; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ giao và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết tháng 10 và 10 tháng năm 2021.

PV