Toàn Ngành BHXH đoàn kết, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2020
23/01/2020 07:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trước thềm Xuân Canh Tý 2020, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã dành cho Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam cuộc trao đổi về những kết quả đạt được trong năm 2019 và định hướng, kế hoạch thực hiện năm 2020.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh
PV: Thưa Tổng Giám đốc, năm 2019 nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy khích lệ khi tăng trưởng GDP đạt kết quả ấn tượng với 7,2%. Riêng trong lĩnh vực BHXH, bà có đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của ngành trong năm vừa qua?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh:
Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân được đặt ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành, cơ quan đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành BHXH, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2019 của Ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cùng với các Bộ, ngành, địa phương, trong năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực, tập trung mọi nguồn lực, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ được giao.
Những nỗ lực của Ngành được thể hiện đậm nét qua việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; mở rộng đối tượng tham gia; giải quyết tốt các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người tham gia; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý cũng như các hoạt động nghiệp vụ; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời; mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hiện đại hóa quản lý BHXH, BHYT.
Có thể nói, trong năm 2019, ngành BHXH đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2019 cũng là năm có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật
PV: Tổng giám đốc có thể khái quát lại bức tranh hoạt động BHXH, BHYT 2019 qua những con số, có những kết quả ấn tượng nào khiến Thứ trưởng, Tổng Giám đốc - trên cương vị là người lãnh đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam cảm thấy tâm đắc nhất trong năm vừa qua?
Năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,2 triệu người; BHXH tự nguyện là 574 nghìn người; BH thất nghiệp là 13,43 triệu người; BHYT là 85,95 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số. Theo đó, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước 368.181 tỷ đồng, đạt 102,4% kế hoạch cả năm.
Toàn Ngành đã giải quyết hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho khoảng 3,1 triệu người; 973.552 người hưởng trợ cấp 1 lần; 11.152.363 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT khoảng 186 triệu lượt người; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết 926.485 người hưởng chế độ BH thất nghiệp, 20.418 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, BHXH Việt Nam đã kịp thời giao kế hoạch thu, phát triển đối tượng và dự toán thu, chi năm 2019 cho BHXH các tỉnh trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán cho BHXH Việt Nam; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 và Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý và lập danh sách người tham gia BHYT được ngân sách đóng, hỗ trợ một phần mức đóng…
Những kết quả đạt được khá toàn diện đó chính là công sức, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH. Chúng ta đã tiếp tục giữ được khối đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống, và chính sự đoàn kết đó đã tạo ra sức mạnh nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để làm nên những kết quả ấn tượng - những con số biết nói mà tôi vừa kể trên. Đó cũng chính là điều mà tôi thấy tâm đắc nhất.
PV: Thưa Tổng Giám đốc, năm 2019 là năm đầu tiên ngành BHXH phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Tổng Giám đốc có đánh giá gì về kết quả phát triển BHXH tự nguyện của Ngành năm vừa qua?
Trong năm 2019, với sự nỗ lực lớn của ngành BHXH trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc.
Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 297.000 người so với năm 2018. Đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần gấp hai lần năm 2018 và bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 đến năm 2018. Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia, đến hết năm 2018 con số này là 270.000 người.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH - đây là cơ hội để ngành BHXH tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm bản lề quan trọng để đạt mục tiêu đầu tiên về BHXH tự nguyện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, bởi hiện số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc vận động người dân tham gia đang còn không ít khó khăn, thách thức do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động tự do có mức thu nhập thấp, bấp bênh trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm). Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế…
Với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và dưới sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt; chủ động phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia.
Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Trong đó, đưa ra những giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức phù hợp, thân thiện hơn với từng người dân, hướng tới truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng điện thoại, tin nhắn, đối thoại trực tiếp tại khu dân cư, nhà riêng… Trong thời gian tới, Ngành sẽ mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện; hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện cho các nhân viên đại lý thu, để lực lượng này phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính; đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện...
Khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP)
PV: Sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thử thách với các cơ quan quản lý. Thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng có những giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử. Là một trong những đơn vị có nỗ lực lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử, Tổng Giám đốc có đánh giá thế nào về nội dung này không thưa bà?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, trong những năm gần đây, việc xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT là một nội dung công tác trọng yếu, được BHXH Việt Nam hết sức quan tâm.
Ngành BHXH đã nỗ lực đưa ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ, hiện đại hóa quản lý, thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành; hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thống nhất trên phạm vi toàn quốc... Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 23 trong tổng số 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử là trên 47,7 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến.
Hiện nay, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đã triển khai toàn bộ ứng dụng CNTT theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Trung tâm Ðiều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả là kết quả tổng hợp từ một thời gian dài hoạt động của hệ thống BHXH, đồng thời, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng CNTT…
BHXH Việt Nam đã tạo ra nhiều đột phá với những hoạt động phục vụ định hướng hiện đại hóa quản lý BHXH, BHYT được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, như: Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH để số hóa tài liệu lưu trữ của ngành; phần mềm giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp; hệ thống một cửa điện tử tập trung trên cơ sở phần mềm "Tiếp nhận và quản lý hồ sơ"; Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam là điểm truy cập duy nhất của BHXH Việt Nam trên môi trường Internet cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động, chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân. Ngành BHXH đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia BHYT với thông tin của 92,6 triệu dân tương ứng với 24,3 triệu hộ gia đình toàn quốc. Hệ thống thông tin giám định BHYT ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT,…
Đồng thời, Ngành BHXH cũng bước đầu xây dựng được hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Dịch vụ tin nhắn (SMS); dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia; cung cấp đóng BHXH, BHYT bằng thanh toán điện tử nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp các dịch vụ công cấp độ 4.
Ngành BHXH đã bước đầu hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng về BHXH, đang thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Ngành. Toàn ngành đang phấn đấu, trong năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước; các hệ thống đều được xây dựng liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho Ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Hoạt động truyền thông BHXH, BHYT được triển khai ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực
PV: Thưa Tổng Giám đốc, năm 2020 là năm thứ hai, tập trung toàn lực cho việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đẩy mạnh việc thực hiện tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các quy trình nghiệp vụ góp phần tích cực vào hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử. Xin bà cho biết, các giải pháp của BHXH Việt Nam để đáp ứng cho những mục tiêu hết sức quan trọng nói trên?
Bước sang năm 2020, ngay từ đầu năm, ngành BHXH đã xác định rõ, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH cần tập trung cao độ, quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP.
Cụ thể, BHXH Việt Nam đặt ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2020, trong đó, về công tác thu, chi và phát triển đối tượng, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện giao kế hoạch của năm cho BHXH các tỉnh, thành phố ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, bao phủ BHYT của địa phương.
Một là, tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, đề án, nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả : Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; kịp thời ban hành các kế hoạch để triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2020 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Hai là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01/2016/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; hoàn thiện các văn bản, quy định, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai trong toàn Ngành Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Ba là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; các Nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt là các quy định mới có hiệu lực thực hiện từ 01/01/2020.
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; xây dựng các giải pháp phấn đấu thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT của địa phương theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, kịp thời giao kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2020 ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các đơn vị nợ, đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
Sáu là, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, tập trung vào các nhóm đối tượng phát triển BHXH tự nguyện.
Bảy là, phối hợp với ngành Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BH thất nghiệp; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB, đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2020.
Tám là, tập trung quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT năm 2019 được Chính phủ giao; tăng cường nợ đọng BHXH, BHYT; rà soát, xử lý dữ liệu thẻ BHYT cấp trùng; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia.
Chín là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.
Mười là, tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH.
Tôi tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, nhất trí một lòng, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, ngành BHXH sẽ tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2020!
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
PV (thực hiện)
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung quyết tâm hoàn ...
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?