Nhiều kết quả nổi bật trong công tác an sinh xã hội

25/12/2019 03:59 PM


Sáng 25/12/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị. Nguồn ảnh: Báo Dân sinh

Số người tham gia BHXH tự nguyện hoàn thành trước 02 năm so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW 

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành Lao động - Thương binh vã Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực trên tất các các lĩnh vực. Cụ thể:

Hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị giảm còn khoảng 3,12%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%.

Hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động.

Triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, đến nay, cả nước có khoảng 15,7 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 32,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng trên 545.000 người, hoàn thành trước 02 năm so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW; trên 13,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp, chiếm trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị. Nguồn ảnh: Báo Dân sinh

Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt chính sách BHXH, BH thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện tốt hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sỹ và người có công; trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho trên 2,9 triệu đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhằm thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt được nhiều kết quả tích cực; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương và tăng cường phối hợp liên ngành trong cai nghiện ma túy và phòng, chống tệ nạn mại dâm góp phần đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Sức ép về việc làm còn lớn; việc dự báo, kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế; vẫn còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, trốn ở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có tăng nhưng tốc độ tăng còn chậm. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao; vẫn còn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, phụ nữ...

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, trong năm 2020, Bộ sẽ tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động, người có công và xã hội bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động. Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

 Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong năm 2019, nhất là công tác an sinh xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020. Nguồn ảnh: Báo Dân sinh

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững. Trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách BHXH. Rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trưởng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.

Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Lãnh đạo Bộ và các ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

PV