Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, giảm nghèo bền vững

10/12/2019 09:13 AM


Là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chỉ số phát triển con người ở Việt Nam được đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo phát triển con người năm 2019 với chủ đề “Bất bình đẳng trong phát triển con người ở thế kỷ 21: Không chỉ thu nhập, mức trung bình và hiện tại” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 12/9/2019 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Theo báo cáo, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở gần mức trần của nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức trung bình. Với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức cao.

Việt Nam cũng có kết quả tốt về khía cạnh bình đẳng giới. Chỉ số phát triển giới ở mức 1,003 đã đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu trong số 05 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68 trong số 162 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt, đáng khen ngợi là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ này.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực quan trọng cần tiếp tục cải thiện, như: Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước xếp hạng thấp nhất toàn cầu về tỷ lệ giới tính khi sinh (1,12), bạo lực đối với phụ nữ gây ra bởi đối tượng không phải là chồng/bạn tình (34,4%) và tỷ lệ phụ nữ có tài khoản tại các tổ chức tài chính hoặc với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính qua điện thoại di dộng (30,4%).

Về vấn đề phát triển môi trường và bền vững, Báo cáo Phát triển con người nêu bật tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước dẫn đầu toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong nhóm 1/3 các nước xếp hạng cuối về phát thải khí các-bon theo đầu người. 

Theo đánh giá của Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990. Căn cứ vào chỉ số HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng, Việt Nam đạt được thứ hạng cao hơn 9 bậc so với năm 2018. “Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo và các quyết định đưa ra sẽ quyết định việc Việt Nam tiếp tục duy trì được xu hướng phát triển hiện tại” - Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Bà Caitlin Wiesen cho rằng, Việt Nam cũng là một trong số ít các nước trên thế giới tiên phong áp dụng phương pháp và cách thức đo lường nghèo đa chiều kể từ năm 2015. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giảm nghèo đa chiều, khi chỉ số nghèo đa chiều (MPI) ở mức 0,019, xếp thứ 29 trong tổng số 102 nước và nằm trong nhóm dẫn đầu ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, để nâng cao chỉ số phát triển con người ở Việt Nam, các nhiệm vụ, định hướng và giải pháp phát triển Ngành, lĩnh vực và cơ cấu kinh tế trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030, đã tập trung ưu tiên lồng ghép các nội dung như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ; Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, giảm nghèo bền vững; Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo, thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước./.

PV

EMC Đã kết nối EMC