5 ưu tiên của Việt Nam khi giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020
18/11/2019 03:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 18/11, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 chủ trì họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 01/01/2020. Năm 2020 có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Với ASEAN là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam cũng đảm nhận vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Việt Nam quyết tâm và sẽ dành ưu tiên cao nhất để thực hiện tốt trọng trách, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được từ các quốc gia Chủ tịch ASEAN trong những nhiệm kỳ trước, phát huy những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phát triển đất nước và kinh nghiệm trong những lần làm Chủ tịch trước đây (năm 1998 và 2010).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 và đại diện các Tiểu ban tham dự họp báo. Ảnh nguồn VOV
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, với chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên:
Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các thành viên; nâng cao khả năng phối hợp thực hiện chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình ảnh và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Thứ hai, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó, liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, các công nghệ mới; tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các tiện ích xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế, đơn giản hóa nền hành chính công, xây dựng môi trường xanh.
Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi đến người dân; thúc đẩy nhận thức, nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng; nâng cao hình ảnh Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư, đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững; phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Cuối cùng, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; cải cách thể chế; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.
Ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, khối lượng công việc mà Việt Nam phải xử lý trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 rất nặng nề, cả về nội dung lẫn công tác tổ chức, lễ tân, tuyên truyền. Về quy mô, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất là hai dịp Hội nghị Cấp cao vào tháng 4/2020 và tháng 11/2020, các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Môi trường…
“Xác định rõ trọng trách đặt ra, Việt Nam đã khởi động công tác chuẩn bị từ rất sớm khi thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 từ tháng 12/2018. Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, bắt đầu với sự kiện đầu tiên là Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 01/2010 tại Nha Trang”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?