Phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025

24/10/2019 08:25 PM


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành Quyết định số 4888/QĐ-BYT về việc “Phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025”.

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đề án được phê duyêt dựa trên cơ sở pháp lý của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ chương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đề án có mục tiêu chung là “Ứng dụng và phát triển công nghệ sốcông nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời”.

Trên cơ sở mục tiêu chung, Đề án có 3 mục cụ thể:

Mục tiêu 1: Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam.

Mục tiêu 2: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh.

Mục tiêu 3: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3,4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.

Để thực hiện các mục tiêu, Bộ Y tế đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp:

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin y tế; Phát triển trung tâm dữ liệu y tế quốc gia bảo đảm có thể lưu trữ, quản lý đủ các số liệu tập trung của ngành y tế; Xây dựng các trung tâm dữ liệu y tế chuyên ngành; Xây dựng trung tâm dữ liệu gen (ADN) người Việt Nam.

Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam. Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam.

Xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Ưu tiên triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc theo dõi, cảnh báo dịch bệnh trên cả nước. Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân;

Xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh thông minh. Hoàn thiện các phần mềm quản lý và số hóa bệnh viện; Xây dựng “bệnh viện thông minh” và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử. Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh

Xây dựng nền quản trị y tế thông minh. Triển khai nền hành chính y tế điện tử; Triển khai dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cổng dịch vụ công Bộ Y tế, kết nối Hải quan một cửa quốc gia và tham gia một cửa Asean.

Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, gồm nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong ngành y tế.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thông minh trong y tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế.

Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về y tế thông minh. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của y tế thông minh. Triển khai các kênh hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng khi sử dụng các dịch vụ y tế trực tuyến./.

PV