Đối thoại với doanh nghiệp khi triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động

20/09/2019 01:24 PM


Ngày 19/9, tại Hà Nội, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc khi triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc khi triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, Luật An toàn vệ sinh lao động đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, trong đó có nhiều nội dung, chính sách mới được ban hành như: Mở rộng chế độ, chính sách đối với người bị tai nạn lao động; điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động… Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc…

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2016 đến 2018, đã chi khám giám định thương tật bình quân là hơn 1,9 tỷ đồng/năm; chi trợ cấp bình quân là gần 148 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân là gần 67 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong năm 2018 là 200 triệu đồng; năm 2017 phê duyệt hỗ trợ kinh phí huấn luyện từ BHXH là hơn 96 tỷ đồng cho 38.276 người; năm 2018 phê duyệt hỗ trợ huấn luyện an toàn lao động cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc là gần 43 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai, chính sách mới này cũng đã gặp những khó khăn vướng mắc nhất định như: Hoạt động hỗ trợ điều tra lại các vụ tai nạn lao động theo đề nghị của cơ quan BHXH chưa được quy định rõ ràng, cụ thể và khó thực hiện; hoạt động hỗ trợ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động còn nhiều vướng mắc do mức hỗ trợ thấp; mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP đã hết hiệu lực bởi Nghị định 44/2017/NĐ-CP và Nghị định 44 này cũng đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi. Đồng thời, chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách giữa Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan… Vì vậy, năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành cuối năm 2019.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe và trao đổi một số nội dung chuyên đề, như: Tổng quan hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực trạng công tác an toàn, vệ sinh lao động tại TP.Hà Nội; Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định một số điều về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; một số điểm mới về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; giới thiệu những quy định mới về vệ sinh lao động của ngành y tế…/.