Phát huy vai trò, sáng kiến của tổ chức xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
19/09/2019 05:22 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2019 với chủ đề “Phát huy vai trò, sáng kiến của tổ chức xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
Hội thảo có sự tham gia của ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vusta; ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Vusta, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV; đại diện các bộ ngành, cơ quan, tổ chức liên quan; các tổ chức dựa vào cộng đồng và đại diện một số các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo tập trung thảo luận và chia sẻ về kết quả hoạt động, giới thiệu một số mô hình, sáng kiến, bài học kinh nghiệm; đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA nhận định, với lợi thế tập hợp các chuyên gia và hoạt động có hiệu quả, các tổ chức xã hội đã được các cơ quan quản lý Nhà nước, chính phủ tin cậy, giao triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá, kiến nghị các giải pháp để sử dụng hiệu quả của quỹ BHYT; Tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm).
Nhiều tổ chức xã hội đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các dự thảo Luật: Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật BHYT, Luật chuyển đổi giới tính, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình, dự án nhằm hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân, xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, thời gian qua Vusta đã triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và đã phát huy được vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Nhờ việc triển khai dự án từ năm 2011, nhiều người nguy cơ cao nhiễm HIV đã tránh được căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Và người nhiễm HIV đã biết được tình trạng bệnh của mình, sớm tiếp cận điều trị, chăm sóc, cải thiện sức khỏe. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2018, dự án đã hỗ trợ 4.459 người nhiễm HIV được kết nối, điều trị kháng virus, mua thẻ bảo hiểm y tế và tuân thủ điều trị. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, dự án đã hỗ trợ 2.954 người nhiễm HIV…
Giai đoạn 2018-2020, dự án tiếp tục các hoạt động thực hiện 3 mục tiêu của dự án: Đó là, cung cấp dịch vụ dự phòng HIV; củng cố hệ thống cộng đồng và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tiếp cận dịch vụ. Các hoạt động của dự án nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS để góp phần thực hiện Mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Đánh giá về hiệu quả dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS do VUSTA triển khai, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, dự án đã mang lại thành quả rất lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt dự án đã xây dựng được một hệ thống cộng đồng, các tổ chức dựa vào cộng đồng vững mạnh, góp phần bảo đảm bền vững kết quả phòng chống HIV/AIDS. Dự án không chỉ có những gói can thiệp hiệu quả đến các đối tượng đích, mà còn chú trọng nâng cao năng lực cho các tổ chức dựa vào cộng đồng, vận động chính sách, hỗ trợ tư vấn pháp lý, tạo điều kiện cho các đối tượng đích của dự án tiếp cận y tế…
Tuy nhiên, hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn nhiều bất cập. Trong nhiều vấn đề thì vấn đề xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Vai trò của các tổ chức xã hội chưa được phát huy, việc huy động và khuyến khích nguồn lực xã hội, từ khối tư nhân tham gia chưa sâu rộng hơn vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa tương xứng với tiềm năng…
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Đỗ Thị Vân - Giám đốc Trung tâm thông tin Tổ chức phi Chính phủ (NGO-IC) cho rằng, tất cả các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong thời gian tới, các tổ chức xã hội rất mong có được một môi trường pháp lý để hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các tổ chức xã hội đã tham gia góp ý trực tiếp vào nội dung các dự thảo. Đây là các phản biện mang tính chất độc lập, khách quan, khoa học. Các tổ chức xã hội cũng cung cấp các bằng chứng khoa học chính xác, kịp thời cho các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội để bảo đảm tuân thủ theo đúng khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các cam kết của Việt Nam với quốc tế như Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và chia sẻ về kết quả hoạt động, giới thiệu một số mô hình, sáng kiến, bài học kinh nghiệm, những khó khăn thách thức gặp phải; xác định những nhiệm vụ chung cần hướng tới của các tổ chức xã hội; Đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?