Cải cách chính sách BHXH phù hợp với đường lối đổi mới kinh tế - xã hội của Đảng
17/09/2019 10:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa V (tháng 06/1986) đã đánh giá tình hình sau cuộc điều chỉnh giá-lương-tiền (tháng 09/1985) và khẳng định chính thức đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Song hành cùng với đó là việc cải cách các chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách BHXH cho phù hợp với đặc điểm tình hình mới...
Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra vấn đề xác lập một cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của nền kinh tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Mục tiêu đổi mới cơ cấu kinh tế nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, tiến tới hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, đáp ứng nhu cầu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm vững chắc nền an ninh quốc phòng, sử dụng và phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước vào mục tiêu phát triển. Trong đường lối đổi mới kinh tế được Đảng đề xướng tại Đại hội VI, vấn đề đổi mới bố trí cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế) được đặt trong tổng thể đường lối đổi mới toàn diện và đồng bộ về kinh tế - xã hội, với những hình thức, biện pháp, bước đi tuần tự phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội đất nước trong chặng đường đầu thời kỳ quá độ. Các doanh nghiệp của Nhà nước từng bước chuyển sang tự hạch toán kinh doanh, không còn sự bao cấp của Nhà nước. Những tư duy mới về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và tự hạch toán đòi hỏi cần có những thay đổi trong nhận thức về hệ thống chính sách xã hội, đặc biệt là các chính sách BHXH, BHYT cũng cần được xem xét lại trên nguyên tắc đóng-hưởng, từng bước xóa bỏ bao cấp nhằm giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và đảm bảo sự công bằng xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Bộ Chính trị đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng xem xét thí điểm tổ chức thực hiện BHXH cho người lao động tại khu vực ngoài quốc doanh, làm cơ sở tiến tới xây dựng một Điều lệ BHXH thống nhất cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động. Từ đây cũng đi đến xây dựng mô hình tổ chức BHXH và hạch toán Quỹ BHXH độc lập, là tiền đề cho sự ra đời của BHXH Việt Nam sau này.
Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-TW ngày 15/07/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, ngày 18/08/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Chỉ thị số 234/CT triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ: “Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội, Bộ Tài chính, có sự tham gia của Tổng Công đoàn Việt Nam, Liên hiệp xã Trung ương xây dựng đề án về tổ chức dịch vụ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trình Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trước cuối năm 1988”. Tiếp đó, ngày 24/09/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 146/HĐBT bổ sung, sửa đổi Nghị định số 27-HĐBT và Nghị định số 28-HĐBT ngày 09/03/1988. Trong nội dung sửa đổi về chính sách đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, có quy định: “Người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế đều được hưởng các phúc lợi công cộng của toàn dân. Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Công đoàn Việt Nam nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định chính sách BHXH và tổ chức để quản lý việc BHXH đối với công nhân, nhân viên làm việc trong các đơn vị kinh tế này”.
Sau khi tổ chức lấy ý kiến một số ngành, địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng Điều lệ Dự thảo về BHXH đối với lao động làm việc ở các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và báo cáo trước Thường trực Hội đồng Bộ trưởng ngày 27/11/1989.
Ngay sau đó, ngày 29/11/1989, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đã có Công văn số 2251/PPLT thông báo ý kiến của Thường trực Hội đồng Bộ trưởng như sau:
“Bộ Lao động-Thương binh &Xã hội cần tiến hành nghiên cứu toàn diện về chủ trương, nội dung chính sách BHXH đối với viên chức nhà nước, công nhân trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và những người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, để trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng vào cuối Quý I năm 1990.
Giao Bộ Lao động - Thương binh&Xã hội tổ chức làm thí điểm ở 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Bình, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái-Tg), theo nội dung bản điều lệ dự thảo về BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đã trình Thường trực Hội đồng Bộ trưởng”.
Về đối tượng thi hành Điều lệ là mọi người lao động làm việc trong các tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Đặc biệt, tại Điều lệ này còn đưa ra quy định: “Công dân Việt Nam, người Việt Nam sống ở nước ngoài hoặc người nước ngoài sống ở Việt Nam có nhu cầu đều có thể tham gia chế độ bảo hiểm tuổi già cho bản thân hoặc thân nhân”.
Như vậy có thể thấy, cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn có sự song hành của các chính sách xã hội, mà đặc biệt là chính sách BHXH. Việc Nhà nước mở rộng dần đối tượng tham gia BHXH đến người lao động trong các thành phần kinh tế cho thấy một quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược chăm lo cho con người của Đảng ta: Đảm bảo để mọi người lao động được hưởng các chế độ chính sách về phúc lợi xã hội và BHXH./.
ThS. Dương Ngọc Ánh
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?