Các chế độ BHXH dài hạn trong Điều lệ BHXH đầu tiên
14/08/2019 02:23 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nghiên cứu lại các chế độ BHXH trong Điều lệ BHXH tạm thời ban hành kèm theo Nghị định 218/CP ngày 02/12/1961, có nhiều điều bất ngờ thú vị khi các quy định về tuổi nghỉ hưu, thời gian công tác, thời gian công tác liên tục, mức lương hưu tối thiểu, mức lương hưu tối đa... đến nay vẫn đang còn nguyên giá trị...
1. Chế độ trợ cấp hưu trí
Theo quy định tại Nghị định 218/CP, công nhân, viên chức nhà nước nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, được về hưu. Ngoài điều kiện trên, trường hợp có nam thời gian công tác nói chung 25 năm, thời gian công tác liên tục 05 năm, nữ có thời gian công tác nói chung 20 năm, thời gian công tác liên tục 05 năm, thì được nghỉ hưu. Một số trường hợp đặc biệt cũng được hưởng trợ chế độ trợ cấp hưu trí gồm: công nhân, viên chức nhà nước nam 55 tuổi, có thời gian công tác nói chung 20 năm, thời gian công tác liên tục 05 năm, nữ 50 tuổi, có thời gian công tác nói chung 15 năm, thời gian công tác liên tục 05 năm, làm việc đặc biệt nặng nhọc hay việc hại sức khỏe liền trong 10 năm; trường hợp đủ điều kiện về tuổi, tuy chưa đủ điều kiện về thời gian công tác nói chung nhưng thời gian công tác liên tục đủ 15 năm; trường hợp nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi, ốm yếu, không còn khả năng lao động, nếu thời gian công tác liên tục đủ 15 năm... Kể từ ngày về hưu cho tới khi chết, trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí được lĩnh trợ cấp hàng tháng bằng 45% lương chính, nếu thời gian công tác liên tục đủ 05 năm. Nếu thời gian công tác liên tục trên 05 năm, từ năm thứ 06 - 10, mỗi năm thêm 1% lương chính; từ năm thứ 11 trở đi, mỗi năm thêm 2% lương chính, song tối đa không quá 75% lương chính. Nếu trước khi về hưu, vì sức khỏe kém sút, phải chuyển sang làm việc nhẹ, hưởng lương thấp hơn trước, thì được lấy mức lương cao nhất đã được hưởng trong thời gian 10 năm trước khi về hưu để tính trợ cấp hàng tháng. Trường hợp có công lao, có thành tích lớn, anh hùng lao động, anh hùng quân đội chuyển ngành…, ngoài lương hưu hằng tháng, còn được thêm một khoản trợ cấp ưu đãi hằng tháng từ 5% - 15% lương chính. Người có trợ cấp thương tật hàng tháng còn được thêm 10% trợ cấp thương tật.
Công nhân, viên chức nhà nước về hưu được bảo đảm mức sinh hoạt thấp nhất ấn định là 22 đồng/tháng. Trường hợp không có nơi nương tựa, được thu nhận vào nhà dưỡng lão. Ngoài ra, được trợ cấp thêm một khoản tiền bằng một tháng lương kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có). Người được hưởng chế độ hưu trí, ở với gia đình hay ở nhà dưỡng lão, khi ốm đau được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thuộc địa phương nơi cư trú; hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng; khi chết được trợ cấp tiền chi phí về chôn cất theo quy định; những thân nhân do người đó khi còn sống phải nuôi dưỡng được hưởng tiền tuất hằng tháng theo quy định. Người đủ điều kiện về hưu trí nhưng do yêu cầu công tác, được lưu lại để làm việc, thì không được hưởng trợ cấp hưu trí.
2. Chế độ trợ cấp chôn cất và trợ cấp vì mất người chủ gia đình (sau này gọi là trợ cấp mai táng phí và trợ cấp tuất quy định chung trong chế độ tử tuất)
Khi công nhân, viên chức nhà nước chết, thân nhân được cấp một khoản tiền chi phí về chôn cất. Ngoài ra, còn được trợ cấp một số tiền căn cứ vào thời gian đã công tác liên tục của người chết, cứ mỗi năm bằng 50% của 01 tháng lương, tối đa không quá 02 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có). Trường hợp chưa có đủ thời gian công tác liên tục để hưởng tiền tuất, thì cứ mỗi năm công tác được trợ cấp 01 tháng lương. Trường hợp chết vì tai nạn lao động, thì khoản trợ cấp này được tính cứ mỗi năm công tác liên tục bằng 01 tháng lương, mức trợ cấp tối thiểu bằng 02 tháng lương, tối đa không quá 04 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có). Ngoài các khoản trợ cấp trên, trường hợp đã công tác liên tục từ 05 năm trở lên, tổng số thu nhập của gia đình bị sụt từ 60% trở lên và có mức lương từ 40 đồng trở xuống, thì thân nhân người đó khi còn sống phải nuôi dưỡng được hưởng tiền tuất hàng tháng bằng 09 đồng, nếu gia đình có 01 người phải nuôi dưỡng, 16 đồng nếu có 02 người phải nuôi dưỡng, 21 đồng nếu có 03 người phải nuôi dưỡng và bằng 24 đồng nếu có 04 người trở lên phải nuôi dưỡng. Nếu mức lương cao hơn 40 đồng, ngoài khoản tiền nói trên, gia đình còn được hưởng thêm 5% của phần tiền lương cao hơn. Trường hợp khi chết, có từ 10 năm công tác liên tục trở lên, gia đình được thêm 10% của số tiền trợ cấp nói ở khoản trên. Trường hợp chết vì tai nạn lao động, gia đình còn được thêm 10% của tổng số tiền trợ cấp nói trên. Thân nhân được hưởng tiền tuất phải là những người không có sức lao động, bao gồm người dưới 16 tuổi (nếu còn đang đi học thì đến hết 18 tuổi), mà trước khi chết, công nhân, viên chức nhà nước phải nuôi dưỡng. Những đối tượng trên được hưởng tiền tuất cho tới khi có khả năng tự giải quyết được đời sống, có người đảm nhiệm nuôi dưỡng hoặc tới khi chết. Trường hợp công nhân, viên chức nhà nước chết về tai nạn lao động, thì dù chưa đủ 05 năm công tác liên tục, thân nhân cũng được hưởng tiền tuất theo quy định. Trường hợp hưu trí hay về an dưỡng do bị tai nạn lao động mà chết, thân nhân không có sức lao động trước đây sống nhờ vào trợ cấp hưu trí hay trợ cấp thương tật của người chết, được hưởng tiền tuất hằng tháng theo quy định, mức tính sẽ căn cứ vào trợ cấp hưu trí hay trợ cấp thương tật.
Như vậy, có thể thấy, các chế độ BHXH được quy định tại Điều lệ BHXH tạm thời đã có một bước tiến dài, thể hiện nhiều quan điểm tiến bộ. Bước đầu, đã đặt ra mối quan hệ mức hưởng thụ và sự cống hiến, có tính đến điều kiện đặc thù của Việt Nam khi trải qua 02 cuộc chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, khi đối tượng công nhân, viên chức nhà nước có thời gian tham gia vào lực lượng vũ trang, có công với cách mạng rất lớn. Đặc biệt, Điều lệ còn thể hiện rõ sự ưu việt, tính nhân văn của Nhà nước XHCN khi quy định thời gian công tác nói chung của công nhân, viên chức nhà nước là tất cả thời gian người đó đã thoát ly kinh tế gia đình để đi làm việc, lấy lương hoặc sinh hoạt phí làm nguồn sống chính và công việc làm có tác dụng phục vụ lợi ích chung của xã hội (kể cả thời gian làm việc dưới chế độ cũ). Khái niệm thời gian công tác liên tục được tính bằng thời gian công nhân, viên chức làm việc liên tục dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại một cơ quan, xí nghiệp, công trường nông trường, lâm trường; thời gian hoạt động liên tục cho cách mạng trước ngày 02/09/1945 và quân đội tình nguyện cũng được tính. Điều lệ cũng dành 01 chương quy định về vấn đề quản lý Quỹ BHXH và thực hiện các chế độ BHXH. Theo đó, để bảo đảm việc chi tiêu, thành lập Quỹ BHXH – một quỹ độc lập thuộc NSNN. Mọi chi phí về công tác quản lý Quỹ BHXH, quản lý các sự nghiệp BHXH đều do Quỹ BHXH của Nhà nước đài thọ. Tổng Công đoàn Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Quỹ BHXH và toàn bộ sự nghiệp BHXH của công nhân, viên chức nhà nước, cụ thể là quản lý toàn bộ quỹ, lập dự toán, quyết toán, tổng kết việc chi tiêu; hàng năm báo cáo trước Hội đồng Chính phủ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp công đoàn trong công tác quản lý Quỹ BHXH; quy định biện pháp, thể lệ cụ thể về quản lý quỹ và chế độ kế toán, tài vụ; phân phối, điều hòa và xét duyệt dự toán hàng quý, hàng năm của cấp dưới; quản lý các nhà dưỡng lão, nhà an dưỡng, nhà nghỉ mát của công nhân, viên chức nhà nước; tham gia việc nghiên cứu xây dựng chế độ, chính sách BHXH với các cơ quan nhà nước. Hằng tháng, cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường phải trích nộp cho Quỹ BHXH số tiền bằng 10% so với tổng quỹ tiền lương của công nhân, viên chức. Việc đôn đốc nộp tiền, thực hiện kế hoạch thu - chi thuộc Quỹ BHXH do Tổng Công đoàn Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước phụ trách. Nếu quá thời hạn quy định, cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường chưa trích nộp tiền BHXH, thì Ban Chấp hành Công đoàn nơi đó (là cấp quản lý Quỹ BHXH ở cơ sở) sẽ báo cho ngân hàng mà đơn vị có tài khoản, để chuyển số tiền phải nộp ấy từ tài khoản của đơn vị sang tài khoản của cơ quan quản lý Quỹ BHXH ở địa phương. Tiền Quỹ BHXH được nộp vào NSNN và chịu sự quản lý tiền mặt của ngân hàng. Ở mỗi đơn vị đều thành lập 01 Ban BHXH, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, có trách nhiệm đôn đốc việc trích nộp Quỹ BHXH; quyết định việc chi cấp tiền BHXH theo thể lệ đã ban hành; kiểm tra việc thu - chi các khoản tiền BHXH. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm giám sát chi tiêu của Quỹ BHXH, hướng dẫn, giúp đỡ cơ quan quản lý quỹ thi hành đúng thể lệ tài chính của Nhà nước.
Tiếp theo Điều lệ BHXH tạm thời đối với công nhân, viên chức nhà nước, để cải tiến, thống nhất các chế độ có tính chất BHXH đối với đối tượng quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ, ngày 30/10/1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 161-CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự. Theo đó, toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang Việt Nam, bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên nghiệp được hưởng 06 chế độ đãi ngộ khi ốm đau, bị thương hoặc bị bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động phải ra ngoài quân đội; trợ cấp hưu trí; trợ cấp tuất và chế độ đãi ngộ đối với nữ quân nhân khi có thai và sinh đẻ. Về cơ bản, các chế độ BHXH đối với lực lượng vũ trang không có gì khác so với công nhân, viên chức nhà nước. Tuy nhiên, xét theo đặc thù, một số chế độ có sự đãi ngộ hơn như tuổi đời nghỉ hưu của quân nhân là 55 đối với nam và 50 đối với nữ (thấp hơn 05 tuổi so với công nhân, viên chức nhà nước); mức hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng đối với quân nhân chết được xác định là liệt sĩ cao hơn đối với các trường hợp quân nhân chết vì tai nạn trong tập luyện, công tác, học tập, sản xuất… Quân nhân dự bị, dân quân tự vệ được hưởng 02 chế độ là ốm đau và trợ cấp chôn cất, tiền tuất. Việc xây dựng các chế độ BHXH đối với quân nhân trong lực lượng vũ trang đã đảm bảo các nguyên tắc cơ bản, phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước trong giai đoạn vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; với chính sách chung của Nhà nước; với đời sống của công nhân viên chức, nhân dân; với tính chất, đặc điểm của quân đội, có tác dụng tốt cải thiện đời sống cho quân nhân và khuyến khích quân nhân tích cực xây dựng quân đội. Mức đãi ngộ về các chế độ trợ cấp được quy định căn cứ vào tình trạng mất sức lao động nhiều hay ít, sự cống hiến, thời gian công tác, điều kiện làm việc của mỗi quân nhân trong từng trường hợp và có ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ. Đặc biệt, trong giai đoạn này, khi Quân đội nhân dân Việt Nam đang trong thời kỳ xây dựng tiến lên chính quy, hiện đại, việc ban hành các quy định về chế độ đãi ngộ BHXH trong lực lượng vũ trang thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, có tác dụng to lớn trong việc động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực xây dựng quân đội, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà./.
ThS. Dương Ngọc Ánh
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?