Chính sách và hoạt động BHXH giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ
23/07/2019 10:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 kết thúc 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ. Hòa bình được lập lại, miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc của miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời gian này, mặc dù nền kinh tế đất nước còn hết sức khó khăn, cả nước tập trung sức người sức của cho cuộc kháng chiến nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định mục tiêu bảo đảm đời sống cho nhân dân lao động, thể hiện qua nhiều văn bản chính sách BHXH được ban hành.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chế độ BHXH cho người lao động theo Sắc lệnh 76, 77 (năm 1950), Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều văn bản quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, những chế độ, chính sách này chưa được quy định riêng biệt, mà quy định chung tại các văn bản về chế độ ưu đãi. Điển hình như tại Nghị định số 980-TTg ngày 27/07/1956, ban hành bản điều lệ ưu đãi thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bản điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân với nội dung chủ yếu gồm ban hành chế độ phụ cấp thương tật 06 hạng; Quy định tiền tuất một lần và trợ cấp khó khăn cho gia đình liệt sĩ; Quy định về cất, bốc, quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ… Đặc biệt, tại Nghị định 980, bên cạnh phụ cấp thương tật, thương binh còn được hưởng trợ cấp khi về địa phương sản xuất, hưởng phụ cấp sản xuất hay an dưỡng hằng tháng và được lĩnh định kỳ hằng quý, tùy theo từng hạng. Đối với cả thương binh và bệnh binh, đều được hưởng chế độ khám, điều trị và miễn trả tiền ăn, tiền thuốc ở bệnh viện (tương ứng với chế độ cấp thẻ BHYT miễn phí cho đối tượng người có công với cách mạng hiện nay).
Sau khi hòa bình lập lại, xuất phát từ nhu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và nhu cầu đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa theo kế hoạch để kiến thiết miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và Chính phủ đã chủ trương giảm bớt quân số, dần dần thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự để thay thế chế độ tình nguyện tòng quân. Thi hành chủ trương này, một số quân nhân tham gia quân đội lâu ngày sẽ lần lượt được phục viên để trở về, tham gia công cuộc sản xuất, lao động kiến thiết của toàn dân và các ngành công tác khác của Chính phủ, các đoàn thể. Để đảm bảo quyền lợi cho quân nhân phục viên chuyển công tác, ngày 12/06/1957, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 250-TTg về chính sách đối với quân nhân phục viên. Theo đó, tất cả quân nhân phục viên về địa phương được hưởng các khoản trợ cấp để về sản xuất, trợ cấp thâm niên, trợ cấp chức vụ và một khoản tiền lộ phí gồm có tiền tàu, xe, tiền ăn… trong thời gian đi đường. Quân nhân phục viên có con trong khi tại ngũ được hưởng tiêu chuẩn phụ cấp con, nếu về địa phương được thêm một khoản trợ cấp bằng 06 tháng phụ cấp con. Nữ quân nhân đang có thai, nếu phục viên về địa phương được phụ cấp sinh đẻ theo chế độ chung và thêm 02 tháng sinh hoạt phí. Quân nhân phục viên nếu sức khỏe còn kém, hoặc mắc bệnh kinh niên chữa lâu khỏi, được y sĩ chứng nhận là cần được điều dưỡng, ngoài những khoản trợ cấp trên, được hưởng thêm một khoản trợ cấp điều dưỡng. Quân nhân phục viên về địa phương được miễn thuế nông nghiệp trong 02 năm, nếu sống chung với gia đình thì gia đình được giảm thuế trong 02 năm, mỗi năm 50 cân thóc. Quân nhân chuyển ngành được tiếp tục tính nhân khẩu thuế nông nghiệp trong 02 năm kể từ khi phục viên. Để tránh những sự thay đổi về sinh hoạt một cách đột ngột, quân nhân phục viên được chuyển sang công tác tại các cơ quan chính quyền, đoàn thể được tiếp tục hưởng lương bằng số sinh hoạt phí và phụ cấp sau cùng trong quân đội trong thời hạn 06 tháng (sinh hoạt phí hàng tháng của quân nhân gồm tiền gạo, tiền thức ăn, củi, muối, phụ cấp thâm niên và tiền quân trang cho những tháng quân trang hết hạn). Đây cũng cũng là thời hạn để quân nhân phục viên bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn trong công tác mới; sau đó, sẽ được xếp vào ngạch bậc của ngành công tác để hưởng lương mới. Trong trường hợp quân nhân phục viên đã quen thuộc với công tác mình phụ trách và cơ quan có thể xếp ngạch bậc sớm hơn vẫn bảo đảm được mức sinh hoạt thì không nhất thiết phải đợi hết 06 tháng. Nếu đã quá 06 tháng cơ quan vẫn chưa xếp ngạch bậc được, quân nhân phục viên tiếp tục hưởng theo sinh hoạt phí của bộ đội nhưng thời gian cơ quan phải xếp ngạch bậc cho quân nhân phục viên không được kéo dài quá 09 tháng, kể từ ngày phục viên. Trong việc sắp xếp ngạch bậc cho quân nhân phục viên chuyển sang ngành công tác khác, phải căn cứ vào khả năng của mỗi người quân nhân phục viên là chính, đồng thời, chiếu cố thích đáng đến thành tích, quá trình đấu tranh cách mạng và cấp bậc của người đó khi còn ở trong quân đội. Thời gian tham gia quân đội của quân nhân phục viên được tính vào thâm niên trong ngành công tác mới để được hưởng những quyền lợi về thâm niên của ngành đó (nếu có) và được tính là thời gian công tác để tính hưởng hưu bổng sau này.
Ngày 06/12/1958, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 523-TTg về chế độ trợ cấp dài hạn cho quân nhân tình nguyện đã phục viên từ ngày hòa bình lập lại bị bệnh kinh niên tái phát ốm, yếu không còn khả năng lao động. Theo đó, các đối tượng này sẽ được hưởng mức trợ cấp dài hạn ấn định cho mỗi người từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/tháng, tùy theo hoàn cảnh thực tế của từng người (giá gạo ở thời điểm năm 1958 là 4,8 đồng/kg).
Sau gần 04 năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu to lớn: “Từ năm 1955 - 1959, sản lượng thóc đã tăng từ 03 triệu 60 vạn tấn đến 05 triệu 20 vạn tấn. Về công nghiệp, năm 1955 chỉ có 17 xí nghiệp quốc doanh, năm 1959 đã có 107 xí nghiệp quốc doanh. Số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cấp thấp chiếm 43,9% tổng số nông hộ, đa số nông hộ chưa vào hợp tác xã đã vào tổ đổi công, 53% tổng số thợ thủ công vào các tổ chức hợp tác xã. Về văn hóa, so với năm 1955, số học sinh phổ thông tăng lên gấp 02 lần; số học sinh trường chuyên nghiệp trung cấp tăng lên gấp 06 lần; số sinh viên Đại học tăng lên gấp 07 lần; số bác sĩ y khoa tăng 80%”. Đi đôi với thắng lợi đó, quan hệ giai cấp trong xã hội miền Bắc đã thay đổi. Giai cấp địa chủ phong kiến đã bị đánh đổ. Liên minh giai cấp công nhân - nông dân ngày càng được củng cố và vững mạnh. Hiến pháp 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Nhà nước đã hoàn thành sứ mệnh của nó, song so với tình hình, nhiệm vụ cách mạng mới, cần được bổ sung, thay đổi. Trong Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp 1946 và thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Sau khi hoàn tất lần soạn thảo đầu tiên, tháng 07/1958, bản dự thảo đã được thảo luận trong cán bộ trung cấp, cao cấp thuộc các cơ quan quân, dân, chính, Đảng. Sau đó, bản dự thảo được chỉnh lý và ngày 01/04/1959 công bố để toàn dân thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng. Trong 04 tháng liền, trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, tổ chức khác của nhân dân; ở thành thị và nông thôn; việc nghiên cứu, thảo luận Dự thảo Hiến pháp tiến hành sôi nổi và trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi với đủ các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngày 18/12/1959, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 31/12/1959, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi. Ngày 01/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp. Trong đó, Hiến pháp 1959 tiếp tục khẳng định quan điểm lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta về phát triển chính sách BHXH, như tại Điều 32: “Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức BHXH, cứu tế và y tế để đảm bảo cho người lao động được hưởng điều đó” và tại Điều 24: “… cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương...”.
Những quy định tại Hiến pháp 1959 sẽ là cơ sở quan trọng cho việc ban hành các quy định cụ thể về BHXH ở nước ta trong giai đoạn này./.
ThS. Dương Ngọc Ánh
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?