Đời… chạy thận và tấm thẻ màu xanh hi vọng
25/02/2019 05:08 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong căn phòng Khoa Hồi sức, cấp cứu của BVĐK tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi ngồi giữa những bệnh nhân với cánh tay cắm đầy ống truyền đỏ thẫm. Họ là những bệnh nhân bị suy thận nặng, phải lọc máu, điều trị suốt quãng đời còn lại. Các bệnh nhân ở đây chia sẻ, nếu không được quỹ BHYT chi trả một phần lớn chi phí thì nhiều người trong số họ đã phải bỏ cuộc, chấp nhận số phận từ lâu.
Điểm tựa… BHYT
“Thấm thoắt cũng hơn 6 năm rồi. Khi biết mình bị bệnh tôi buồn và tuyệt vọng lắm. Tài sản trong nhà bán dần theo những đợt điều trị, thuốc thang… Chính BHYT đã mang lại niềm hi vọng, chỗ dựa cho tôi”- đó là lời tâm sự của anh Triệu Thái Thành (59 tuổi) mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Anh Thành sinh ra ở phường Chi Lăng, TP.Lạng Sơn. Từ nhỏ anh đã có đam mê với những nhạc cụ dân tộc. Lớn lên anh trở thành 1 nhạc công, kiếm sống bằng nghề chơi đàn phục vụ những đám hiếu trên địa bàn. Thu nhập không quá cao nhưng anh cũng có cho mình một cuộc sống ấm êm với vợ con và đam mê của mình. Những tưởng hạnh phúc đó bền lâu thì cuối năm 2011, anh thấy trong người mệt mỏi, kém ăn, đi tiểu nhiều và sút cân… Đi khám ở BVĐK tỉnh, anh chết lặng khi bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh suy thận độ 3. Không muốn tin đó là sự thật, anh khăn gói xuống Hà Nội, đến bệnh viện Bạch Mai nhưng kết quả không có gì thay đổi.
“Tôi phải phải thuê nhà để điều trị ở một số bệnh viện tuyến trung ương, chỉ trong vòng 9 tháng đã tiêu tốn hơn 500 triệu đồng. Gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, vay mượn họ hàng, anh em vì lúc đó, tôi không tham gia BHYT”- anh Thành nhớ lại.
Được sự tư vấn của các bác sĩ và người thân, bình tâm lại, anh Thành quyết định về quê, tham gia BHYT và đăng ký điều trị tại BVĐK tỉnh Lạng Sơn từ cuối năm 2012 đến nay. Hàng tuần, đều đặn 3 buổi, ngày nắng cũng như mưa, anh phải đi từ sáng sớm có mặt tại đây để chạy thận lọc máu. Năm 2013, anh Thành được xét duyệt, cấp thẻ BHYT theo chế độ cựu chiến binh, giúp được hưởng quyền lợi thanh toán 100% chi phí chữa bệnh nên hằng tháng, anh chỉ phải bỏ thêm hơn 2 triệu cho chi phí đi lại, sinh hoạt, thuốc bổ…
Bệnh nhân điều trị chạy thân nhân tạo tại BVĐK tỉnh Lạng Sơn
“Thẻ BHYT đã giải thoát cho tôi và những người cùng cảnh ngộ gánh nặng tài chính để yên tâm chữa trị, tìm lại niềm vui và hi vọng sống. Thời gian qua, tôi đã thấm thía giá trị của chính sách này nên đã bàn với vợ tích cóp tham gia BHYT cho cả gia đình và vận động nhiều người thân quen cùng tham gia. Tôi vẫn lấy bản thân làm ví dụ vì nếu không có thẻ BHYT, tôi đã không thể cầm cự điều trị căn bệnh suy thận đến ngày hôm nay vì số tiền quá lớn, vượt quá khả năng của gia đình” - anh Thành tâm sự.
Là một trong những người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở BVĐK tỉnh Lạng Sơn, dược sĩ Hoàng Đình Nam chia sẻ: “Hiện bệnh viện đang điều trị thường xuyên cho 170 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Mỗi tuần bệnh nhân phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 11 triệu/tháng, cả năm là 120- 130 triệu đồng. Chi phí này vượt quá điều kiện kinh tế của hầu hết bệnh nhân ở đây. Do đó, nếu không có chính sách BHYT thì không ít người đã buông xuôi, từ bỏ điều trị từ lâu vì đây là căn bệnh cần điều trị liên tục, dài ngày. Hiện có nhiều bệnh nhân đã điều trị chạy thận nhân tạo trên 10 năm, cao nhất đã 18 năm”.
Màu xanh hi vọng
Nhiều người vẫn thường ví những bệnh nhân chạy thận như những kiếp “tầm gửi”. Vì cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc khi một tuần phải chạy thận, lọc máu 3 lần. Những chi phí dịch vụ, thuốc men, tiền giường bệnh… đè nặng lên đôi vai. Và nếu như trước đây, người mắc bệnh suy thận chủ yếu là người già trung bình trên 60 tuổi thì những năm trở lại đây, suy thận giai đoạn cuối cũng gặp nhiều ở người trẻ. Và chúng tôi đã gặp những bệnh nhân trẻ tuổi đó khi nhiều lần đến con ngõ nhỏ 121, Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nơi từ lâu được gọi với cái tên “xóm chạy thận”. Lần nào đến đây, cảm nhận của tôi cũng là sự thinh lặng, chậm rãi. Bởi ở đây ai cũng đi chầm chậm, nói chuyện với nhau rất nhẹ nhàng và ngay cả cái bóng của họ cũng rất nhỏ bé, gầy guộc, xanh xao.
Em Đặng Thị Xiêm đã ở "Xóm chạy thận" gần 3 năm nay
Gặp chúng tôi, cô gái bé nhỏ Đặng Thị Xiêm (sinh năm 1994) quê ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn tâm sự: Hai năm trước, em kết hôn và rất hạnh phúc khi biết mình có thai. Nhưng khi mang bầu, em thấy rất mệt mỏi, đi tiểu ra máu, ngứa phát ban nên đi khám thì các bác sĩ cho biết mình mắc bệnh suy thận. Kết luận của các bác sĩ như tiếng sét ngang tai, cuộc sống như đổ sụp trước mắt. Sau đó, em phải bỏ thai, sống xa nhà để chạy thận thường xuyên ở bệnh viện Bạch Mai ”.
Cũng may Xiêm lấy được một anh chồng tử tế, khi biết cô mắc bệnh như vậy mà không hề ruồng bỏ, hết lòng chạy chữa, bán cả bò, cả trâu cho vợ nhập viện. Nhưng số tiền đó chẳng thấm là bao khi bệnh Xiêm ngày càng nặng. Nhờ những người cùng cảnh ngộ chia sẻ, Xiêm đã tham gia BHYT để có thể chữa trị bệnh lâu dài.
“Qủa thật trước đây em đã nghe nhiều về chính sách BHYT nhưng vẫn nghĩ đó là một điều gì đó xa xôi, không quá cần thiết với bản thân mình. Nhưng giờ đây, tấm thẻ BHYT đã trở thành người bạn thân thiết, cứu cánh với em, cho em niềm tin, niềm hi vọng để chống chọi với căn bệnh này”- Xiêm tâm sự.
Cùng chung căn bệnh nhưng Nguyễn Như Tuấn (sinh năm 1994), ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã “gia nhập” xóm chạy thân được 7 năm nay. Tuấn chia sẻ, khi gần học xong cấp 3, em thấy người gầy sút đi, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa đi khám thì biết mình mắc bệnh suy thận. Vậy là dự định học đại học của em đành xếp lại. Bố mẹ thương con cũng chẳng còn cách nào khác là cày cuốc kiếm tiền cho em chữa bệnh.
“Số tiền chữa bệnh hằng tuần vượt quá sức với thu nhập gia đình chỉ trông vào trồng cấy như nhà em nhưng may là khi đi học em có tham gia BHYT nên khi mắc bệnh cũng biết được giá trị của tấm thẻ này. Vì vậy, khi thôi học, bố mẹ lại tiếp tục tham gia BHYT cho em để tiếp tục chữa bệnh, đến nay cũng 7- 8 năm rồi”- Tuấn tâm sự.
Tiếp xúc với nhiều mảnh đời thiếu may mắn, mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, chúng tôi càng thêm thấm thía giá trị của sức khỏe và sự sẻ chia. Tấm thẻ BHYT nhỏ bé, từ lâu đã trở thành những người bạn đồng hành cùng những người bệnh chiến đấu, chống chọi với bệnh tật. Và tấm thẻ đó được nhiều người bệnh thân thương đặt cho cái tên: “tấm thẻ màu xanh hi vọng”./.
Phạm Chính
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?