Xây dựng tuyến y tế cơ sở để đảm bảo người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất
21/11/2018 04:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tức là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cập nhật thông tin sức khỏe, bệnh tật của người dân, tập hợp cơ sở dữ liệu thống nhất, khám định kỳ, lập hồ sơ sức khoẻ của từng người dân, chăm sóc, theo dõi, cấp thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường…
Ảnh minh họa, nguồn IInternet.
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường theo nguyên lý y học gia đình” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 19/11 đã làm rõ xây dựng tuyến y tế cơ sở để đảm bảo người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất.
Các khách mời tham gia chương trình có: Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
Một trong những vấn đề rất quan trọng của cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở dựa trên nền tảng nguyên lý y học gia đình là phải có sự gắn kết chăm sóc sức khỏe ban đầu với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu để đảm bảo người dân được chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện...
Theo bà Phan Lê Thu Hằng, trong hệ thống chăm sóc sức khỏe thì có các cấp độ, các tuyến chăm sóc khác nhau như: Chăm sóc sức khỏe ban đầu có nội dung rất rộng, kỹ thuật đơn giản và chi phí không cao. Tiếp đến là chăm sóc sức khỏe chuyên khoa, chuyên sâu, thì nội dung của nó hẹp hơn nhưng kỹ thuật cao hơn, chi phí lớn hơn.
Bà Phan Lê Thu Hằng cho rằng, chuyển tuyến KCB hiện nay là chuyển bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi tuyến dưới không đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh cho bệnh nhân. Chuyển tuyến này trong chuyên môn gọi là chuyển tuyến cứng hay chuyển tuyến một chiều. Chuyển tuyến này có điểm yếu là mối liên kết giữa các cấp độ chăm sóc không được bền vững, chính vì thế mà người dân không được chăm sóc toàn diện, liên tục và lấy bệnh nhân làm trung tâm. Vì thế, việc cải tiến chuyển tuyến là điểm mà ngành y tế rất quan tâm để làm sao tới đây xây dựng hệ thống chuyển tuyến có hiệu quả hơn, có nghĩa là chuyển tuyến mềm hay chuyển tuyến hình bánh xe tức là có thể chuyển bệnh nhân lên thẳng tuyến chuyên khoa bỏ qua địa giới hành chính và khi đấy thì tuyến dưới có nhiệm vụ liên lạc và chuyển thông tin của bệnh nhân lên; ngược lại tuyến chuyên khoa sau khi điều trị bệnh nhân thì cũng có nghĩa vụ ngược lại tuyến cơ sở để theo dõi và chăm sóc, quản lý trong trường hợp cần thiết. Đó là mong muốn của chúng tôi trong thời gian tới.
“Chúng tôi thấy rằng, bên ngoài giải pháp kỹ thuật thì ở đây có sự thay đổi căn bản về liên kết giữa các cấp độ chăm sóc sức khỏe, ở đây là chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe chuyên khoa và chuyên khoa sâu. Trong mỗi cấp độ đóng một vai trò quan trọng, gắn kết trong một chuỗi chăm sóc sức khỏe chứ lúc đó không còn phải là tuyến trên và tuyến dưới. Bên cạnh giải pháp kỹ thuật như hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn, phát triển kỹ thuật CNTT. Tôi nghĩ là trong việc chuyển tuyến thì CNTT nắm vai trò quan trọng. Ngành y tế cũng chú trọng từng bước nâng cao vị thế của tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu và để đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa các cấp độ trong chuỗi chăm sóc sức khỏe liên tục suốt vòng đời cho từng cá nhân. Đó là mong muốn của ngành y tế trong thời gian tới” – bà Phan Lê Thu Hằng nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, thông tuyến KCB là một điều rất nhân văn, rất đúng định hướng nhưng chúng ta phải rút ra một bài học là lẽ ra phải làm hai việc trước khi thông tuyến. Thứ nhất, phải đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật để không cần chuyển tuyến mà vẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến xã, tuyến huyện. Thứ hai, chưa làm rõ cho người dân biết chuyển tuyến là chuyển theo tuyến kỹ thuật, tuyến xã chăm lo được sức khỏe thì có nhất thiết phải lên tuyến huyện không? Hoặc tuyến huyện thực hiện được dịch vụ này thì có nhất thiết phải lên tuyến tỉnh không? Tuyến tỉnh làm được thì có nhất thiết phải lên tuyến trung ương không?
Ồng Bùi Sỹ Lợi đề nghị, Bộ Y tế phải tham mưu cho Chính phủ tổng kết lại việc thông tuyến, chuyển tuyến để rút kinh nghiệm. Lộ trình đến năm 2021 là thông tuyến tỉnh, nếu không làm tốt thì dẫn đến hệ thống tuyến cơ sở sẽ bị lãng phí mà có nơi thì lại quá tải.
Trước một số ý kiến cho rằng có sự bất cân xứng giữa hệ thống bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; trong khi bệnh viện dùng nhiều nguồn lực mà đáng lẽ ra dùng ở tuyến y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn, ông Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ: Bằng số liệu thực tế có thể chứng minh được, 70% số người khám chữa bệnh bằng BHYT ở tuyến cơ sở xã, các trung tâm y tế huyện nhưng chỉ có 30% kinh phí chi trả, xã thì 20% khám ở xã mà kinh phí thì chỉ có 2,6%. Rõ ràng đây là sự mất cân đối. Vì vậy cách thức phân bổ như thế nào đó để đảm bảo tăng cường cho y tế cơ sở để y tế cơ sở phải chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân một cách tốt nhất.
Mô hình bác sĩ gia đình là ưu điểm, nếu có bác sĩ gia đình thì bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân không phải lên xã, lên huyện mà lên thẳng tuyến trung ương, không mất thời gian làm thủ tục chuyển tuyến từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên trung ương...
“Vì thế, chúng ta phải nghiên cứu quay trở lại một nguyên lý mà đúng như Bộ Y tế đang đưa ra định hướng là tập trung xây dựng y tế cơ sở một cách bền vững và coi y tế xã, phường như một cửa ngõ ban đầu, là nền tảng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngành y tế phải xem xét lại và bàn thêm với BHXH Việt Nam để chi phí thêm cho y tế cơ sở bởi chi phí cho cơ sở là thấp hơn nhưng thực chất là hiệu quả sẽ cao hơn. Cần tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội về vấn đề: Trong quỹ BHYT hiện giờ mới chi cho khám, chữa bệnh và điều trị mà chúng ta phải nghĩ đến chi cho cả dự phòng bởi nếu phòng bệnh tốt thì không phải chữa bệnh” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Trước ý kiến cho rằng nguồn lực dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hiện nay chưa đầy đủ, bà Phan Lê Thu Hằng cho biết: Sự bất cập về tài chính là rào cản đến sự phát triển hệ thống y tế cơ sở. Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế hiện nay khoảng 3% GDP, mà theo như khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới là 4.5% GDP, trong đó phương thức phân bổ tài chính còn nhiều bất cập, chính vì thế mà nó cản trở những dịch vụ có chất lượng cho chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe cơ bản ở tuyến y tế cơ sở. Về tỷ trọng của BHYT giữa các cấp cũng chênh lệch. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, tỷ trọng kinh phí dành cho trạm y tế phải là 20% nhưng hiện nay mới chỉ được khoảng 3% - 4%.
Bên cạnh đó, ngân sách phân bổ cho y tế dự phòng chủ yếu là dựa vào định biên mà không theo đầu người dân, và chi thường xuyên cho trạm y tế là rất thấp. Ngân sách cấp cho y tế cơ sở chỉ đủ cho bộ máy hoạt động mà không đảm bảo cho bộ máy hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Hậu quả lâu dài là dẫn đến cán bộ y tế giảm động lực trong dịch vụ y tế và kìm hãm sự phát triển. Một yếu tố nữa là mức thanh toán BHYT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang ở mức thấp.
Theo bà Phan Lê Thu Hằng, để giải quyết những vấn đề này thì ngành y tế phải thực hiện đồng bộ 4 giải pháp: Thứ nhất: Tăng ngân sách nhà nước cho y tế, đặc biệt là cho y tế cơ sở đạt 4,5% GDP. Thứ hai: Thực hiện lộ trình mở rộng quyền lợi gói dịch vụ BHYT như dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc, phục hồi chức năng, quản lý các bệnh không lây nhiễm. Thứ ba: Bên cạnh đó là lộ trình tăng mức bảo hiểm cho những dịch vụ cung ứng tại trạm y tế. Và từng bước hạn chế sự gia tăng bất hợp lý của bệnh viện để dành nguồn kinh phí đầu tư cho y tế cơ sở. Thứ tư: Đổi mới phân bổ ngân sách dựa vào kết quả hoạt động và hiệu quả đầu ra. Bên cạnh giải pháp tài chính thì những hoạt động cốt lõi của ngành y tế như xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, phát triển nhân lực y tế, phát triển CNTT... phải được nâng lên thì sẽ tăng được niềm tin của nhân dân đối với y tế cơ sở.
Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, cơ cấu chi ngân sách cho ngành y tế giữa trung ương và địa phương, y tế cơ sở và y tế tuyến trên chưa đảm bảo ưu tiên cho y tế cơ sở. Phải rà soát lại cơ cấu chi từ quỹ BHYT cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh...
“BHYT hiện nay đóng thì ít, hưởng thì tối đa. Luật cho phép trần của đóng BHYT là 6% trên tiền lương tối thiểu hoặc tiền lương thu nhập của người lao động nhưng hiện nay mới đóng có 4,5%. Vì thế phải đồng thời nâng mức đóng BHYT lên và cơ cấu chi của BHYT phải hết sức hợp lý. Phải coi sự đầu tư của nhà nước cho y tế là một nhiệm vụ chính trị và coi phát triển y tế như phát triển kinh tế” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Trao đổi về những vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới khi triển khai mô hình cung ứng dịch vụ y tế tuyến y tế cơ sở dựa trên nền tảng nguyên lý y học gia đình, bà Phan Lê Thu Hằng cho biết: Mục tiêu trong thời gian tới của Bộ Y tế là phải xây dựng một hệ thống đảm bảo được chất lượng ở tuyến y tế cơ sở để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất, an toàn và thuận lợi nhất, đảm bảo cung cấp thông tin để giúp cho cơ quan xây dựng chính sách liên quan đến việc thanh toán BHYT. Việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu này cũng là một trong những nội dung để thuyết phục BHYT yên tâm về chất lượng dịch vụ để có chính sách chi cho y tế cơ sở được cao hơn.
Bên cạnh đó thì năng lực quản trị y tế cơ sở đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong thời gian tới cần phải có giải pháp trung hạn và dài hạn đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ cán bộ các trạm y tế cơ sở. Nâng cao vị thế cho tuyến y tế cơ sở bằng các mối liên kết ngang giữa đội ngũ chăm sóc sức khỏe ban đầu làm sao có sự cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển.
Một điểm quan trọng nữa là phát triển CNTT cả về hạ tầng cơ sở phần cứng và phầm mềm.
Trước mục tiêu của Bộ Y tế là trong năm 2019, mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số trạm y tế xã, phường, thị trấn theo nguyên lý y học gia đình; giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số trạm y tế; 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới phủ khắp toàn quốc; Ông Bùi Sỹ Lợi nhận định: Mục tiêu này là đúng và trúng, vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện, phải vừa thí điểm vừa mở rộng và yêu cầu tất cả các tỉnh đều phải làm thí điểm, đây là mấu chốt thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương, vì vậy Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ. Mô hình thí điểm tại Sóc Sơn, Hà Nội là một ví dụ cần được nhân rộng, 70% - 80% người dân Sóc Sơn và các nơi khác đến khám tại trạm y tế của xã, phường./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?