Ngày 19/11: Quốc hội thông qua 05 Luật
19/11/2018 06:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 19/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 05 Luật: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Toàn cảnh phiên họp.
1. Luật Đặc xá (sửa đổi)
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 451 đại biểu tán thành, chiếm 92,99% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.
Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đặc xá.
Luật Đặc xá (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm gồm 06 chương, 39 điều quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
Trước khi tiến hành biểu quyết, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Ngoài các nội dung đã được giải trình, tiếp thu chỉnh lý như tại Báo cáo, nhiều ý kiến của ĐBQH đã được giải trình cụ thể tại Báo cáo số 327/BC-UBTVQH14 ngày 18/10/2018 của UBTVQH; các ý kiến khác của ĐBQH đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật như: thời hạn; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức; bố cục lại một số điều, khoản; chỉnh lý kỹ thuật văn bản bảo đảm phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.
Với 455 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành chiếm 93,81% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua thông qua Luật Trồng trọt.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, ngày 09/11/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Trồng trọt. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và có thêm nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau Phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt.
Gồm 7 chương, 85 điều, Luật Trồng trọt quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Luật quy định rõ các nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt. Theo đó, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được cấp chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp. Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất, nước; quy trình sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Phát huy lợi thế vùng, gắn với bảo tồn các giống cây trồng đặc sản, bản địa; bảo vệ các hệ thống canh tác bền vững, các di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Chủ động dự báo, phòng, chống thiên tai và sinh vật gây hại cây trồng; thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán giống cây trồng; xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; điều kiện sản xuất phân bón; sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác; trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác… cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Trồng trọt.
Luật Trồng trọt sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình Dự thảo Luật chăn nuôi, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật chăn nuôi, với 93,61% đại biểu tán thành.
Các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua Luật Chăn nuôi.
Theo đó, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, gồm 08 chương, 83 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi. Nội dung Luật chăn nuôi quy định cụ thể về công tác quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; Thức ăn chăn nuôi; Điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi;Chăn nuôi động vật khác; Đối xử nhân đạo với vật nuôi; Quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Chăn nuôi. Báo cáo nêu rõ: Ngày 07/11/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Chăn nuôi. Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về cơ bản đều tán thánh với Báo cáo số 342/UBTVQH14 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật Chăn nuôi mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và có thêm một số ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật.
Sau khi nghe trình bày Báo cáo, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam với 467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,29% tổng số đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Luật cũng xác định ngày 28 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam. Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/ 7/ 2019.
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 408 đại biểu tán thành, chiếm 84,12% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.
Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi, bổ sung 37 Điều của Luật Giáo dục đại học. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2019. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học: Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ của giáo dục đại học bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông. Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên, cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Chính phủ quy định trình độ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng quy định rõ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học: Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật. Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật. Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về các nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật./.
PV (t/h)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?