BHXH Việt Nam: Những dấu ấn tích cực trong hợp tác và hội nhập Quốc tế
17/09/2018 07:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong gần 24 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực hợp tác với các tổ chức an sinh xã hội thế giới và khu vực, trên tinh thần học hỏi và chia sẻ các kinh nghiệm tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT với các tổ chức an sinh xã hội quốc tế. Bên thềm Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á (ASSA) lần thứ 35, cũng là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội và đánh dấu 20 năm BHXH Việt Nam gia nhập tổ chức này, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã dành cho phóng viên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam cuộc trao đổi.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh.
PV: Thông qua những sự kiện hợp tác quốc tế, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc đánh giá như thế nào về vai trò công tác thông tin đối ngoại của ngành BHXH thời gian qua?
- Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh:
Với mục tiêu tiếp tục cụ thể hóa định hướng Chiến lược phát triển Ngành và hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Cải cách chính sách BHXH, góp phần xây dựng và phát triển ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của BHXH Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến lớn cả về bề rộng lẫn chiều sâu và ngày càng đi vào thực chất.
Ngành BHXH đã tiếp tục được triển khai linh hoạt, sáng tạo và kế thừa được những thành công trước đây, như: Thu hút, vận động tài trợ quốc tế cho sự phát triển Ngành; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại; tăng cường đào tạo quốc tế về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc, văn hoá ứng xử và đạo đức công vụ theo chuẩn mực quốc tế cho cán bộ ngành BHXH; tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ, các hội thảo chuyên đề giúp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong nhiều lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ của Ngành.
Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng, giúp hỗ trợ các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ như: Dược, vật tư y tế; thanh tra, kiểm tra; giám định BHXH; quản lý tài chính, đầu tư quỹ; cũng như kỹ năng ngoại ngữ cho cán bộ của Ngành.
PV: Vậy, thời gian tới, BHXH Việt Nam có kế hoạch gì nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Ngành, thưa Thứ trưởng, Tổng Giám đốc?
Trong bối cảnh đất nước hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới sẽ góp phần hướng đến mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, là bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng ASXH quốc tế.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Ngành, BHXH Việt Nam đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch thông tin đối ngoại năm 2018 và kế hoạch thông tin đối ngoại trung hạn giai đoạn 2018-2020. Trong đó, hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối công tác thông tin đối ngoại sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu xây dựng kế hoạch thông tin đối ngoại của đơn vị và là đầu mối triển khai thực hiện một cách sáng tạo, đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại tại BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố.
BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của Ngành, nhằm tối đa hoá hiệu quả thông tin, góp phần giúp BHXH Việt Nam vững bước trong tiến trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Ngành sẽ định hướng và tăng cường phối hợp hoạt động thông tin đối ngoại từ Trung ương đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển Ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.
PV: Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á (ASSA) thành lập cách đây 20 năm, là một trong những tổ chức hàng đầu về ASXH trong khu vực. Xin Thứ trưởng, Tổng Giám đốc cho biết mục đích và ý nghĩa của việc thành lập tổ chức này?
Trước xu thế tuổi thọ trung bình và dân số tăng nhanh trong khu vực Đông Nam Á, việc thành lập một tổ chức về ASXH được coi là giải pháp lâu dài giúp các nước trao đổi quan điểm và kinh nghiệm về các vấn đề ASXH.
Do đó, năm 1998, ASSA đã được thành lập, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển ASXH trong khu vực phù hợp nguyện vọng, luật pháp và quy định của các nước thành viên. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự hợp tác khu vực trong mọi lĩnh vực liên quan đến ASXH; trao đổi kinh nghiệm và thông tin về ASXH; hợp tác với các tổ chức ASXH khác trong khu vực và trên thế giới; hợp tác bảo vệ, thúc đẩy và phát triển các chương trình ASXH thông qua đào tạo, hội thảo, tư vấn, đối thoại và các hoạt động khác.
Sau hai thập kỷ hình thành và phát triển, ASSA đã trở thành một diễn đàn hợp tác đa phương về ASXH hàng đầu khu vực, có vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới. Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, ASSA đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc đảm bảo ASXH cho người dân trong khu vực và đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, tiến bộ, văn minh và phát triển.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh (áo dài) chụp ảnh kỷ niệm cùng Lãnh đạo các tổ chức an sinh xã hội tại ASSA 31.
PV: BHXH Việt Nam đã tham gia đồng hành cùng ASSA như thế nào, thưa Thứ trưởng, Tổng Giám đốc?
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam chính thức gia nhập ASSA từ năm 1998. Trong suốt quá trình đồng hành cùng ASSA, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia trong mọi hoạt động của Hiệp hội, đóng góp vào việc xây dựng trụ cột Văn hóa - Xã hội của Cộng đồng ASEAN.
Việc tăng cường phát triển các mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau với các tổ chức thành viên ASSA đã giúp BHXH Việt Nam bổ sung các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, hiện đại hóa quản lý ngành BHXH… Trên cơ sở đó, đề xuất và kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT của Việt Nam.
Đến nay, BHXH Việt Nam đã 3 lần giữ chức Chủ tịch Hiệp hội và chủ trì tổ chức thành công 4 Hội nghị Ban Chấp hành ASSA vào các năm 1999, 2002, 2005 và 2010. Các hội nghị đều được tổ chức hiệu quả, tạo ấn tượng tốt đẹp với các tổ chức ASXH trên thế giới cũng như các thành viên của ASSA; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Theo nguyên tắc luân phiên của ASSA, năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018-2019, chủ trì tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành ASSA lần thứ 35 tại Việt Nam; đồng thời tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập ASSA. Sự kiện lần này đánh dấu một chặng đường dài BHXH Việt Nam đã đồng hành cùng ASSA. Đây là cơ hội để BHXH Việt Nam tiếp tục quảng bá hình ảnh, hội nhập và hợp tác quốc tế trong vấn đề ASXH cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trong các hoạt động tại khu vực ASEAN.
PV: Việc tham gia vào ASSA đã mang lại những giá trị gì cho BHXH Việt Nam, thưa Thứ trưởng, Tổng Giám đốc?
Thực tiễn 20 năm qua cho thấy, việc tham gia vào ASSA đã mang lại cho BHXH Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực, góp phần hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT tại Việt Nam - thông qua việc tiếp thu các kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong công tác quản lý và thực hiện chính sách tại các quốc gia có hệ thống ASXH phát triển cao trong khu vực.
Thông qua các kỳ Hội nghị ASSA, BHXH Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của Ngành. Qua đó, học hỏi được những kinh nghiệm quý của quốc tế, nhằm phát triển sự nghiệp ASXH bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Việc tham gia ASSA cũng đã giúp BHXH Việt Nam đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của Ngành, để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao…
PV: “Cơ hội và thách thức của các hệ thống ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động” là chủ đề của Hội nghị ASSA lần thứ 35. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc nhận định thế nào về chủ đề này?
Hệ thống ASXH khu vực ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, do tác động từ Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực. Đối với Việt Nam, dự báo trong những năm tới, lực lượng lao động tăng bình quân hằng năm 1,28%, tương ứng 723 nghìn người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người (năm 2016) lên 62 triệu người (năm 2025). Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hằng năm, nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650 nghìn việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Tuy nhiên, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Đáng lưu ý, lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật – công nghệ chiếm tỷ trọng thấp, do không đáp ứng được về kỹ năng sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp, tạo ra sức ép về việc làm. Điều này đòi hỏi hệ thống ASXH quốc gia cần đào tạo mới, đào tạo lại, cung cấp các kỹ năng mới cho người lao động, để giảm áp lực lên hệ thống ASXH quốc gia.
ASXH ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, nhất là trước ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này không chỉ ở Việt Nam, mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Chính vì vậy, với chủ đề “Cơ hội và thách thức của các hệ thống ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”, ASSA 35 hứa hẹn sẽ mang tới nhiều chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia và tổ chức quốc tế.
PV: Với cương vị là Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ tới, BHXH Việt Nam sẽ đặt ra nhiệm vụ trọng tâm nào để cùng các tổ chức thành viên giải quyết tốt các thách thức, góp phần bảo đảm ASXH trong tương lai?
Đứng trước những vấn đề như già hóa dân số, thiên tai thảm họa, nghèo đói, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng từ Cách mạng công nghiệp 4.0… đòi hỏi các chương trình ASXH phải được hoàn thiện, để đáp ứng với tình hình, nhất là tạo ra được hệ thống dịch vụ dễ tiếp cận đối với các nhóm lao động, nhóm dân cư, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương.
Xác định được những vấn đề và thách thức trên, BHXH Việt Nam cũng như các thành viên ASSA đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, gồm: Thay đổi, điều chỉnh chính sách; nghiên cứu tổ chức lại hệ thống quản lý và phục vụ người dân; tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý và dịch vụ; nỗ lực trong các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp định song phương và đa phương nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và học hỏi từ các chuyên gia, đối tác và tổ chức quốc tế; đề xuất, kiến nghị các bộ, ban, ngành liên quan chú trọng đào tạo cho người lao động nâng cao khả năng thích ứng với nền kinh tế việc làm phi biên giới, gia nhập khu vực việc làm chính thức.
Đồng thời, BHXH Việt Nam sẽ chú trọng tổ chức điều phối, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng đối tượng và diện bao phủ với các tổ chức thành viên ASSA; nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ song phương, đa phương giữa các thành viên ASSA; tăng cường kết nối giữa các thành viên của ASSA với Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA), nhằm mục tiêu phát triển ASXH bền vững vì một tương lai tươi sáng cho mọi người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng, Tổng Giám đốc!
PV (thực hiện)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?