Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu doanh nghiệp
20/08/2018 10:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân là một trong những giải pháp trọng tâm để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều bạn trẻ tham gia sàn giao dịch việc làm
Đây chính là mục tiêu mà Thành phố Hà Nội quyết tâm phấn đấu thực hiện và đạt được kết quả khả quan trong nửa đầu năm 2018.
Sàn giao dịch việc làm thu hút nhiều lao động
Nửa đầu năm 2018, các cơ sở giáo dục dạy nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tuyển sinh và dạy nghề cho 44.000/179.300 lượt người, đạt 24,5% kế hoạch năm. Toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 97.240/152.000 lao động, đạt 63,9% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhờ được xét duyệt vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 752 tỷ đồng, toàn thành phố đã tạo việc làm được cho 27.136 lao động.
Ngoài ra, các đơn vị hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đưa được 1.450 người lao động đi làm việc có thời hạn. 10.302 lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp và 24.547 lượt lao động được phỏng vấn, hướng nghiệp…
Để có được kết quả trên, Thành phố đã luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, ngành đã trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt, Thành phố cũng tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề Thành phố năm 2018, qua đó, tìm được nhiều gương mặt tài năng tham dự Kỳ thi tay nghề toàn quốc với kết quả giải Nhất toàn đoàn… Song hành với công tác dạy nghề, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được Thành phố đặc biệt chú trọng.
Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm với 2.450 doanh nghiệp, đơn vị tham gia tích cực thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho người lao động. Thành phố cũng cho khai trương và đưa vào hoạt động điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp…
Công tác dự báo thị trường lao động còn hạn chế
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh dạy nghề cũng như việc giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của thực trạng này do cơ cấu đào tạo chưa hợp lý (đào tạo trình độ đại học nhiều, cao đẳng, trung cấp ít; thừa thầy thiếu thợ; không có sự phân luồng đào tạo giữa các ngành, nghề); chất lượng đào tạo còn thấp, chưa gắn với nhu cầu của thị trường (số sinh viên nhóm ngành kinh doanh, quản lý, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên chiếm 8-12% số người thất nghiệp, 70-80% thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học đến Trung tâm dịch vụ việc làm tìm kiếm việc làm trong các nhóm ngành kinh tế, xã hội, quản lý trong khi thị trường cần nhiều lao động trong lĩnh vực tự động hóa, cơ khí chế tạo, công nghệ sinh học…).
Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn, trung hạn theo ngành, nghề còn hạn chế; hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, sinh viên còn hạn chế; chưa phân luồng học sinh hiệu quả. Một bộ phận xã hội, gia đình, thanh niên còn tồn tại tâm lý khá nặng về bằng cấp, ít quan tâm đến cơ hội việc làm trong tương lai và một bộ phận thanh niên, sinh viên chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm; thiếu kỹ năng trong việc tìm kiếm và duy trì việc làm...
Những tháng cuối năm, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động. Trong đó, triển khai rà soát, cập nhật thông tin về cung - cầu lao động, diễn biến thị trường lao động; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn chính sách về hỗ trợ, khuyến khích người lao động nhất là lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp sử dụng lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại.
Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành sẽ tổ chức đào tạo nghề cho các thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện nhằm hoàn thành dự án phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn nghề cho giáo viên, giảng viên các trường công lập trên địa bàn…
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động có thể xem là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
Theo VGP
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?