Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2018

02/05/2018 09:22 AM


Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng; Doanh nghiệp Nhà nước phải tham gia đấu thầu khi mua sắm tài sản cố định bên ngoài; Điều kiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2018.

Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Ảnh minh họa.

Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số có hiệu lực từ 10/5/2018.

Theo Nghị định này, các hành vi giạn lận để chiếm đoạt tiền bảo hiểm với số tiền dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng sẽ bị xử phạt 90 - 100 triệu đồng.

Các hành vi này bao gồm: thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt 40 - 50 triệu đồng. Riêng hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt 60 - 70 triệu đồng thay vì chỉ 10 - 20 triệu đồng như trước.

Doanh nghiệp Nhà nước mua tài sản bên ngoài phải qua đấu thầu

Ảnh minh họa.

Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1/5/2018.

Theo đó, khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả mua xe), doanh nghiệp Nhà nước cũng phải thực hiện đấu thầu là nội dung quy định tại

Nghị định này cũng quy định doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm…Đối với các dự án doanh nghiệp Nhà nước là chủ đầu tư đang triển khai hoặc xây dựng dang dở được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án.

Điều kiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Ảnh minh họa.

Quyết định 18/2018/QĐ-TTg hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5/2018.

Theo đó, các khoản cho vay được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng; Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật; Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.

Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 - 2020.

Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 100.

Quyết định này sẽ áp dụng đối với khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.

Chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Ảnh minh họa.

Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP, sửa đổi Thông tư 78/2014/TT-BTC, có hiệu lự thì hành từ ngày 1/5/2018.

Theo đó sửa đổi, bổ sung một số quy định về các khoản chi được trừ, không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Cụ thể, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động;

Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị;

Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau… Tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá một tháng lương bình quân thực tế./.