05 năm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW: Nhiều dấu ấn quan trọng

10/03/2018 08:10 AM


Ngày 09/03, tại Quảng Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tới dự Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng; Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà và đại điện một số Bộ, ngành Trung ương (Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,…) cùng đại diện Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố và BHXH các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc...

Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” (Nghị quyết số 21) của Bộ Chính trị được ban hành ngày 22/11/2012 đã đưa ra những định hướng, chiến lược phát triển cụ thể về BHXH, BHYT nhằm tiến tới hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi NLĐ. Nghị quyết ra đời có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT ở nước ta; thể hiện sự quan tâm một cách sâu sắc, toàn diện của Đảng trong việc thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đã được các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cấp ủy chính quyền quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt và hướng tới cơ sở, tới NLĐ ở các DN, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ; tới người dân ở các xã, phường, thị trấn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền đã có nhiều đổi mới và đa dạng hóa, phù hợp hơn với các nhóm đối tượng trong xã hội như nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, NLĐ và chủ sử dụng lao động. Chú trọng tuyên truyền thông qua các cuộc đối thoại, tọa đàm, tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT, tổ chức các chương trình tập huấn chính sách, hội nghị lồng ghép, hội thi tuyên truyền viên, thi viết về chính sách BHXH, BHYT... Qua đó, góp phần đưa Nghị quyết số 21 và các Luật BHXH, BHYT dần đi vào cuộc sống.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong: Công tác phát triển đối tượng tham gia với độ bao phủ BHXH, BHYT đạt khoảng 86% dân số; sau 5 năm, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã tăng khoảng 30%, có thể tạm ước tính cứ 10 người dân thì có gần 9 người tham gia BHXH, BHYT.

Cũng trong 5 năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính về BHXH của BHXH Việt Nam đã đạt được những dấu ấn lớn, tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị và DN khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Thủ tục hành chính về BHXH, BHYT giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục, số giờ giao dịch về BHXH, BHYT giảm từ 335 giờ xuống còn 147 giờ (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) và 51 giờ (theo đánh giá của các cơ quan trong nước).

Riêng trong năm 2017, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH để phục vụ người dân, đơn vị và DN bước đầu đã có những kết quả tích cực. Hiện toàn quốc đã có khoảng trên 90% số đơn vị, tổ chức và DN tham gia thực hiện giao dịch điện tử BHXH, BHYT với cơ quan BHXH; BHXH Việt Nam cũng đã liên thông dữ liệu KCB BHYT và kết nối trực tuyến hàng ngày với trên 12.000 cơ sở KCB qua Hệ thống Thông tin giám định BHYT.

“Trong 5 năm qua, cơ quan BHXH các cấp luôn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chi đúng, đủ, kịp thời, thoả đáng hàng trăm ngàn lượt chế độ, chính sách BHXH, BHYT mỗi năm cho người dân, NLĐ; quỹ BHXH tiếp tục là quỹ tài chính lớn thứ hai sau ngân sách Nhà nước (quỹ BHXH ước tính bằng ¼ ngân sách Nhà nước), góp phần đảm bảo hiệu quả nền an sinh xã hội và ổn định kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng khẳng định, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đã nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền được đa dạng hoá theo hướng chất lượng, hiệu quả, chú trọng phát triển tính tương tác với đối tượng tiếp cận.

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21 đặt ra vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, việc tổ chức Hội nghị lần này sẽ là dịp để tiến hành đánh giá những kết quả đạt được của công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21 trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ những hạn chế và phân tích nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 21 đề ra.

Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo sơ kết 5 năm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 21 được ban hành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác BHXH, BHYT.

Công tác phối hợp tuyên truyền về BHXH, BHYT giữa các ban, bộ, ngành ở Trung ương và giữa các sở, ban, ngành ở địa phương đã được triển khai tích cực. Trong 5 năm qua, BHXH Việt Nam đã chủ động ký kết các chương trình phối hợp với 15 bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; cùng đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí để triển khai công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Ở địa phương, nhiều Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy cùng với BHXH tỉnh, thành phố đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành để triển khai hoạt động tuyên truyền.

Song song đó, đã xuất hiện nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động phối hợp tuyên truyền ở cả Trung ương và địa phương, như: Ban Kinh tế Trung ương, Báo Nhân dân phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức một số hội thảo khoa học chuyên đề về BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức “Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT năm 2015-2016”; các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với cơ quan BHXH tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo tuyên truyền lồng ghép về chính sách BHXH, BHYT nhân kỷ niệm các ngày lễ và các sự kiện chính trị lớn…

Đặc biệt, công tác phối hợp trong nắm thông tin, phản hồi về chính sách BHXH, BHYT được chú trọng triển khai đã giúp kịp thời giải quyết những "điểm nóng" về những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc.

Cụ thể, từ năm 2013-2017, cả nước có khoảng 14.000 cuộc đối thoại, tọa đàm về Nghị quyết số 21 và tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT với các chủ sử dụng lao động, NLĐ, cán bộ phụ trách công tác BHXH, BHYT trong các DN, nông dân, hội viên phụ nữ, xã viên hợp tác xã, đoàn viên thanh niên và HSSV,…; hơn 300 hội thi tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT với nông dân, công nhân lao động và HSSV và nhiều hội thi dành cho chính các tuyên truyền viên của Ngành BHXH...

Tính riêng Ngành BHXH, trong giai đoạn 2013-2017, đã phối hợp với các cơ quan báo, đài thực hiện đăng tải, phát sóng khoảng trên 216.597 phóng sự, phỏng vấn, tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục, đối thoại trực tiếp và các tin bài về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Giai đoạn này, Ngành BHXH cũng đã biên tập, phát hành trên 55,5 triệu ấn phẩm tuyên truyền các loại (tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp, sổ tay, lịch, băng, đĩa CD,...) với nội dung về Nghị quyết số 21 cũng như chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Tại BHXH các tỉnh, thành phố hằng năm đã đăng tải hàng ngàn tin bài, văn bản tuyên truyền về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 21; chủ chương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT tại địa phương, thu hút hàng triệu lượt người truy cập mỗi năm. Năm 2017, Trang Thông tin điện tử của BHXH các tỉnh đã đăng tải khoảng 15.517 tin bài, thu hút 192 triệu lượt người truy cập...

Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, sau 5 năm triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21 đã có sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21 của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT. Lực lượng làm công tác tuyên truyền các cấp đã nhận thức được trọng trách của mình, chủ động, tích cực vào cuộc, góp phần làm nên những kết quả quan trọng.

An sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là thu hút đội ngũ các nhà khoa học, đại biểu Quốc hội, chuyên gia, luật sư, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ xây dựng chính sách, doanh nhân, sinh viên… tham gia trao đổi ý kiến, đề xuất các giải pháp đối với chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, BHXH, BHYT. Nhu cầu tìm hiểu kiến thức, thông tin về BHXH, BHYT của xã hội ngày càng tăng.

Qua tuyên truyền, bước đầu giúp các ngành, các địa phương, chủ sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta; góp phần làm thay đổi và nâng cao nhận thức về quyền, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và mọi người dân trong việc thực thi, chấp hành các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT; tích cực, tự nguyện tham gia BHXH, BHYT. Tinh thần, ý thức, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức, lao động Ngành BHXH ngày càng chuyên nghiệp. Mức độ hài lòng của nhân dân về chất lượng dịch vụ KCB BHYT, về thủ tục đăng ký tham gia và thanh toán các loại hình BHXH, BHYT từng bước được nâng lên.

Cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, của Ngành BHXH, Ngành Y tế, công tác tuyên truyền đã tích cực và góp phần quan trọng vào kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng hàng năm. Cơ cấu thành phần, địa bàn khu vực tham gia các loại hình bảo hiểm cũng đạt những bước tiến quan trọng. Cụ thể, năm 2012, toàn quốc có 10.565 triệu người tham gia BHXH, trong đó gồm: 10.431 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 134 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 8.269 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 58.977 triệu người tham gia BHYT - tương đương 66,4% dân số. Sau 5 năm, tính đến tháng 12/2017, toàn quốc đã có tới 79.946 triệu người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong đó gồm: 13.213 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 219 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 11.392 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 79.726 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 85,3% dân số.

Điều đáng ghi nhận là công tác tuyên truyền đã tạo được sự thông cảm, chia sẻ của xã hội với những khó khăn Ngành BHXH, Ngành Y tế đang phải giải quyết, như: Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; việc phát triển tham gia BHXH, BHYT ở một số đối tượng, một số khu vực đặc thù; việc bảo đảm quyền lợi KCB BHYT; công tác quản lý quỹ KCB BHYT;... Nội dung tuyên truyền được thực hiện bảo đảm đúng định hướng, bám sát tinh thần Nghị quyết số 21; khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội; những vấn đề căn bản, cốt lõi của các điều luật về BHXH, BHYT; góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách BHXH, BHYT, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Các hình thức thông tin, tuyên truyền được phát huy, tạo được điểm nhấn và thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, NLĐ, như: Đối thoại chính sách, tuyên truyền miệng, trao đổi với từng nhóm đối tượng; nhiều địa phương phát huy tính sáng tạo, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù dân cư, địa lý, tập quán sinh hoạt và văn hóa.

Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, đây là những kết quả ấn tượng; tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 21 đặt ra, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp; và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số thì vẫn còn một khoảng cách đầy thách thức đối với Ngành BHXH nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Trong chương trình làm việc của Hội nghị, các đại biểu cũng tiến hành thảo luận, chia sẻ làm rõ thêm về những khó khăn, tồn tại và hạn chế trong việc triển khai công tác tuyên truyền Nghị quyết số 21 nói riêng và chính sách BHXH, BHYT nói chung, trong đó tập trung thảo luận đưa ra những kiến nghị, đề xuất và giải pháp tối ưu nhất nhằm giải quyết những vấn đề còn trăn trở trong công tác tuyên truyền BHXH, BHYT với mục tiêu đưa chính sách đến gần người dân hơn. Đặc biệt, nhiều tham luận tại Hội nghị đã tiếp tục gợi mở những vấn đề đáng quan tâm, đề xuất những nội dung nhằm giúp Đảng và Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT để chăm lo tốt hơn đời sống an sinh của người dân, NLĐ, cũng như chăm sóc tốt hơn sức khỏe của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 21 đặt ra, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh yêu cầu, trong thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đầu tư nguồn lực, vật lực cho công tác tuyên truyền, xác định rõ đối tượng tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, xây dựng nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp. “Mỗi cán bộ tuyên truyền phải là một cánh tay nối dài đưa chính sách BHXH, BHYT đến với từng người dân; tuyên truyền hiệu quả phải gắn với chất lượng dịch vụ, thái độ cũng như tác phong phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành BHXH”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, trong 3 năm tới để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 21 đặt ra, còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền. “Để bảo đảm từng người dân, từng hộ gia đình, từng NLĐ đều có được nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT; để người người, nhà nhà sớm được thụ hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT chúng ta cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền; nâng cao tính thiết thực, chiều sâu trong nội dung tuyên truyền; đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền đảm bảo phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể; tiếp tục củng cố, bồi dưỡng nâng cao kiến thức BHXH, BHYT cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền; tăng cường nguồn lực cho công tác tuyên truyền; khen thưởng kịp thời đơn vị, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách BHXH, BHYT…", bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết./.

BAT