Thành lập Cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam: Góp phần bảo vệ quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn

14/04/2023 06:54 PM


Ngày 14/4/2023, tại Hải Phòng, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ tại BHXH Việt Nam”. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan gồm: Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, năm 2014, Quốc hội Khóa 13 thông qua Luật BHXH trong đó giao BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH.

Bộ máy Thanh tra, Kiểm tra của Ngành BHXH Việt Nam được hình thành trên cơ sở bộ máy kiểm tra trước đây (tại Trung ương, Ban Kiểm tra đổi tên thành Vụ Thanh tra, Kiểm tra, tại địa phương Phòng Kiểm tra đổi tên thành Phòng Thanh tra, Kiểm tra).

Cùng với sự phát triển của Ngành, hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã từng bước khẳng định và đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Ngành. Trong đó hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT đã kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Trong 7 năm thực hiện, đã bảo vệ quyền lợi cho 370 nghìn lao động với số tiền truy đóng 1.020 tỷ đồng, xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trên 170 tỷ đồng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra trong đó có công tác thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, ngày 14/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra trong đó giao Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức, nghiên cứu, xây dựng dự thảo, trong đó có đề xuất việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH Việt Nam.

“Để tiếp tục thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp định hướng cho việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ trong đó có BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ tại BHXH Việt Nam” - Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nói.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Đây là một đạo luật hết sức quan trọng để BHXH Việt Nam thành lập cơ quan thanh tra; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của BHXH Việt Nam là rất quan trọng, góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội, phát triển của đất nước. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định trình Bộ Tư pháp thẩm định, trong đó, có đề xuất việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH Việt Nam. Tinh thần là để cơ quan thanh tra của BHXH Việt Nam ngày càng chính quy, hiện đại, có đủ thẩm quyền, quyền thực hiện chức năng.

Tại Hội thảo các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành đã phát biểu ý kiến, thảo luận về việc thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam. Các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ về cơ sở lý luận, căn cứ pháp lý, sự cấp thiết, các quy định pháp luật phù hợp, thực tiễn tổ chức thực hiện và đặc biệt là phân tích sâu về các giải pháp thực hiện thành lập cơ quan thanh tra trong giai đoạn tiếp theo của ngành BHXH Việt Nam. Nội dung tham gia hết sức đa dạng, phong phú và có giá trị về nhiều mặt, cung cấp được những tư liệu mới, những đề xuất, kiến nghị và giải pháp cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan tổ chức thực hiện, cũng như các nghiên cứu chuyên sâu sau này.

Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ phát biểu tại Hội thảo

Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá, từ khi được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, BHXH Việt Nam đã làm rất tốt, thể hiện qua các số liệu thống kê. Giờ đây, khi được thành lập cơ quan thanh tra thì sẽ là một bước tiến, phát triển lớn của Ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được tăng cường. Tuy nhiên, việc tổ chức bộ máy, tổ chức hoạt động ra sao từ Trung ương đến địa phương với một Ngành có nhiều đặc thù như BHXH Việt Nam sẽ cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng nhận định, Theo Luật, cơ sở pháp lý để thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam là rất rõ. Đây là căn cứ quan trọng, để BHXH Việt Nam tổ chức lại cơ quan thanh tra của mình, không chỉ còn là cơ quan được giao thanh tra chuyên ngành. BHXH Việt Nam là cơ quan rất đặc trong các cơ quan thuộc Chính phủ, hoạt động theo ngành dọc, phạm vi hoạt động lớn và đối tượng tác động là toàn bộ người dân, vì vậy bà Liên đề nghị, Thanh tra Chính phủ trong xây dựng các văn bản dưới Luật Thanh tra cần có những quy định chi tiết, xác định rõ mô hình cơ quan thanh tra của các cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là của BHXH Việt Nam. Cũng theo bà Liên, ngoài việc thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam thì việc thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH cấp tỉnh là cần thiết và rất phù hợp do không phát sinh thêm đầu mối, chỉ tiêu biên chế, chỉ là chuyển đổi mô hình từ cấp Vụ sang cơ quan thanh tra ở Trung ương và từ phòng sang cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh. Điều này sẽ giúp hoạt động thanh tra của BHXH Việt Nam được đồng bộ, thông suốt theo chiều dọc; tương xứng theo chiều ngang với các sở, ban, ngành ở địa phương.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Bùi Hùng Thiện, Chánh Thanh tra, Thanh tra TP.Hải Phòng đánh giá cao hoạt động thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn TP.Hải Phòng thời gian qua. Đơn cử chỉ 5 cuộc thanh tra chuyên ngành về nội dung này trong năm 2022 đã xử lý, thu về trên 350 tỷ đồng số tiền chậm đóng. Vì vậy, theo ông Thiện việc BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra sẽ tăng cường hiệu quả xử lý vi phạm, đảm bảo an sinh xã hội. Ông Thiện đề xuất, ngoài thành lập cơ quan thanh tra BHXH ở trung ương, cũng cần thành lập cơ quan này ở BHXH cấp tỉnh, sẽ giúp củng cố, bổ sung lực lượng thanh tra cho địa phương, góp phần xử lý các vi phạm, bảo vệ quyền lợi người lao động hiệu quả hơn.

Ông Bùi Hùng Thiện, Chánh Thanh tra, Thanh tra TP.Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn trân trọng các đại biểu tham dự và các tác giả đã gửi bài tới Hội thảo; đồng thời giao Vụ Thanh tra - Kiểm tra chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan trên cơ sở những ý kiến đóng góp, phát biểu tại Hội thảo để tiếp thu, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo BHXH Việt Nam về các giải pháp tổ chức thực hiện thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam.

Qua các nội dung tham luận, ý kiến tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhận định, việc thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam là một tất yếu trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay, đặc biệt sau khi Quốc hội thông qua Luật Thanh tra ngày 14/11/2022. Ngành BHXH Việt Nam, với nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách xã hội quan trọng là BHXH, BHYT, BHTN cần tiếp tục khẳng định và tiên phong trong thực hiện thanh tra chuyên ngành, đảm bảo quyền lợi thích đáng cho người dân, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Toàn cảnh Hội thảo

Việc thành lập cơ quan thanh tra phải đảm bảo được đúng việc, đúng người, đúng nơi, tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT, đồng thời phải có sự gắn kết, liên thông, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương để thay đổi căn bản về quy trình, cách thức vận hành, mang lại giá trị mới cho người dân, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cũng như tăng năng suất lao động, năng lực quản trị của ngành BHXH Việt Nam./.

PV