Kiểm soát quỹ BHYT thông qua đánh giá công nghệ y tế

04/01/2022 09:15 AM


Theo các chuyên gia, đánh công nghệ tế (Health Tech Assessment-HTA) là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần kiểm soát hiệu quả quỹ BHYT, giảm tải những thách thức từ sự mất cân đối thu- chi do mức đóng BHYT được duy trì ở mức thấp trong nhiều năm, nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao…

Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế nói chung và đánh giá kinh tế dược nói riêng đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT. Tại Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên khan hiếm, quỹ BHYT phải bao phủ ngày càng nhiều dịch vụ y tế thì việc đánh giá công nghệ y tế cần được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế và chính sách BHYT.

Hình minh hoạ  (nguồn: Internet)

Theo ThS.Vũ Nữ Anh- Vụ BHYT (Bộ Y tế), trước năm 2016, thu quỹ BHYT luôn cao hơn số chi quỹ BHYT và có kết dư. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016- 2019, quỹ BHYT phải đối mặt với tình trạng mất cân đối thu- chi rất lớn. “Nếu tiếp tục đà này, chúng ta sẽ dần đối mặt với vấn đề mất cân đối thu- chi ngày càng nghiêm trọng hơn. Để khắc phục, ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế là một giải pháp hữu hiệu góp phần kiểm soát vấn đề cân đối thu- chi quỹ BHYT”- ThS.Vũ Nữ Anh lưu ý.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Xét trên khía cạnh đầu vào, chúng ta đang cố định một mức thu mà không có sự thay đổi. Trong khi đó, ở đầu ra, sự phát triển của công nghệ y tế, nhu cầu về KCB, nhu cầu sử dụng các dịch vụ kĩ thuật cao không ngừng tăng lên, dẫn đến việc mất cân đối thu- chi quỹ BHYT trở thành vấn đề tất yếu.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã dự đoán trước khả năng này. “Với việc phát triển, mở rộng đối tượng bao phủ lên tới gần 91% dân số, cùng với tăng cường khâu kiểm soát thu- chi, chúng ta đã có sẵn nguồn dự phòng để bù đắp cho việc mất cân đối quỹ”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh và phân tích thêm: Năm 2020, số thu cao hơn số chi nhưng hoàn toàn do dịch bệnh COVID-19, chứ không phản ánh đúng bản chất của việc KCB và chi phí KCB. Do đó, chúng ta phải loại trừ yếu tố trên, khi mà quỹ BHYT giảm chi do ảnh hưởng của đại dịch, người dân không được tiếp cận dịch vụ y tế. Đứng trên góc độ chính sách BHYT, NSNN đang phải gánh chi phí mang tính dịch bệnh thiên tai, toàn cầu. NSNN chi trả cho việc điều trị COVID-19, quỹ BHYT chi trả cho chi phí KCB thuộc gói quyền lợi BHYT. “Trong năm 2022, chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể kiểm soát tốt dịch bệnh để đưa hoạt động xã hội trở về trạng thái bình thường mới và người dân cũng có thể tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn. Chúng ta đang đánh giá theo hướng xác định nhu cầu thật để đi KCB. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể tạo nên sự cân bằng mới trong việc thực hiện chính sách BHYT cũng như cân đối thu- chi quỹ BHYT”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn bày tỏ.

Xây dựng gói quyền lợi cho người tham gia BHYT

Chia sẻ về vai trò của việc đánh giá công nghệ trong hoạch định chính sách y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống y tế, đó là xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế.

Theo đó, việc đánh giá, dự báo tác động ngân sách được coi là một công cụ đắc lực đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới trong ứng dụng ra các quyết định chi trả. “Trong thời gian tới, việc sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế, bằng chứng về đánh giá tác động ngân sách trong xây dựng chính sách thuốc BHYT sẽ không còn mang tính khuyến khích, mà chắc chắn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, nhất là đối với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào danh mục”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, để việc xây dựng chính sách y tế, nhất là xây dựng gói quyền lợi BHYT có những thay đổi mang tính đột phá, ngày càng minh bạch, dựa trên bằng chứng khoa học rõ ràng, bảo đảm lợi ích hài hòa của tất cả các bên liên quan và bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT thì việc xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ y tế là rất cần thiết và quan trọng. Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT cần dựa trên các bằng chứng đánh giá công nghệ y tế, đặc biệt các bằng chứng về chi phí- hiệu quả và đánh giá tác động ngân sách.

PV