Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

21/10/2021 09:39 AM


Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

An sinh xã hội (ASXH) là một trong những nội dung quan trọng được Đảng ta đề cập toàn diện, xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội. Những định hướng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn kiện trình Đại hội tiếp tục xác định ASXH là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) là trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần vào sự tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, đưa đất nước phát triển bền vững.

 

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Quan điểm, chủ trương của Đảng về ASXH trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách ASXH - trụ cột là chính sách BHXH, BHYT, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Nghị quyết các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn khẳng định hệ thống ASXH phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ,... bảo đảm bền vững, công bằng; bảo đảm ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, theo đó định hướng đến năm 2025, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Đồng thời, một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021- 2030 được nêu rõ tại Nghị quyết, đó là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu định hướng: Cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững. Đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng nêu định hướng: Thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Như vậy, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những quan điểm, định hướng, mục tiêu cụ thể về phát triển ASXH, đây cũng là “kim chỉ nam” định hướng hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN với vai trò là trụ cột của hệ thống ASXH.

Thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN - vai trò trụ cột trong đảm bảo ASXH

Trong giai đoạn vừa qua, Ngành BHXH Việt Nam, cơ quan được giao tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng của Đảng về ASXH, trong đó trụ cột chính là BHXH, BHYT được thể hiện trong nhiều văn kiện của các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 26/5/1997 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020; Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH….

Đồng thời, Ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động, bám sát các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; chủ động triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia…

Với những nỗ lực trong suốt những năm qua, Ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, cụ thể: Giai đoạn 2016-2019, bình quân số người tham gia BHXH bắt buộc tăng hàng năm khoảng 5-7%. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số người tham gia BHXH bắt buộc hết năm 2020 là 15.033.644 người, đạt 95,3% kế hoạch giao, chiếm 30,42% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2016 là 203.871 người đến năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.128.145 người (bằng 553,4% so với năm 2016), đạt 184% kế hoạch giao, chiếm 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến tháng 7/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.194.068 người, tăng 5,84% so với năm 2020. Số người tham gia BHYT tăng hàng năm với tốc độ khoảng 3-7%, năm 2017 tăng cao nhất đạt 6,9%;  năm 2020 số người tham gia BHYT là 87.978.004 người, đạt 100,2% kế hoạch giao, đạt tỷ lệ bao phủ 90,9% dân số.

Năm 2020, Ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết trên 133.867 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng (đưa tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người, tăng khoảng 12% so với năm 2016); trên 876.702 người hưởng trợ cấp 1 lần; trên 9,69 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Tổng số tiền chi trả chế độ BHXH năm 2020 là 230.133 tỷ đồng (trong đó chi BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước 45.507 tỷ đồng, chi BHXH từ Qũy BHXH 184.626 tỷ đồng). Từ năm 2016 đến năm 2019, số người hưởng và số chi trả các chế độ BHTN tăng đều qua các năm. Năm 2020 dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội; nhiều NLĐ mất việc làm ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống thì BHTN đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình. Tính từ năm 2016 đến tháng 7/2021, số lượt người được chi trả TCTN là 4.321.573 lượt người, với số tiền 61.084 tỷ đồng; chi hỗ trợ học nghề cho 300.428 lượt người (bằng 7% tổng số người hưởng TCTN), với số tiền 547,5 tỷ đồng.

Năm 2020, đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 167,605 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) nội trú và ngoại trú; so với năm 2015 (có 130,2 triệu lượt KCB), tăng hơn 37 triệu lượt người (28,7%); số tiền chi khám chữa bệnh (49.035 tỷ đồng), tăng 53.886 tỷ đồng (hơn gấp 02 lần).

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra - kiểm tra (TTKT) theo kế hoạch và đột xuất tại 110.778 đơn vị. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện TTKT theo kế hoạch và đột xuất tại 6.308 đơn vị, qua đó phát hiện 6.779 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 40.015,6 triệu đồng; số tiền nợ đóng các đơn vị đã khắc phục, nộp trong và sau thời gian thanh tra là 341.932,6 triệu đồng (bằng 45,7% tổng số nợ)...

Cùng với đó, Ngành BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT  bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm bớt được các khâu trung gian, các hoạt động tác nghiệp trở nên nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT; Tích hợp, kết nối liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ để quản lý, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT; Xây dựng, triển khai thành công ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động "VssID - Bảo hiểm xã hội số" nhằm công khai, minh bạch quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Việc rà soát, cải cách TTHC lĩnh vực tham gia và giải quyết chế độ về BHXH, BHYT được tiến hành thường xuyên theo hướng rút gọn, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH (Bộ TTHC của Ngành BHXH Việt Nam được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015), đến nay còn 25 thủ tục; số giờ thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019) theo đánh giá của Ngân hàng thế giới.

Chính sách BHXH, BHYT - Trụ cột chính của hệ thống ASXH

Đặc biệt, trong quá trình ứng phó đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước ta đã kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của Nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn, kịp thời triển khai nhiều biện pháp bảo đảm ASXH hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Theo đó, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu, đề xuất và khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nêu cao quyết tâm chính trị của toàn Ngành trong công tác chung tay cùng các cấp, các ngành phòng chống dịch Covid-19. Tính đến hết ngày 19/8/2021, kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động của ngành BHXH Việt Nam, cụ thể: Thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 277 đơn vị với 46.407 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 323,9 tỷ đồng tại 38/63 tỉnh, thành phố; xác nhận danh sách cho 346.871 lao động của 18.813 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 61/63 tỉnh, thành phố. Qua đó, trong tình hình dịch bệnh đã cho thấy sự nỗ lực của Ngành BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước ta trong công tác ASXH.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cũng bộc lộ không ít những tồn tại như: diện bao phủ của BHXH còn dưới mức tiềm năng, tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT chưa cao; chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút người dân, mức hỗ trợ từ Ngân sách còn thấp; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT thấp so với thu nhập thực tế của NLĐ; số người nhận trợ cấp một lần tăng; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN giảm chưa đáng kể; nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT chưa đầy đủ...; sự xuất hiện của các quan hệ lao động mới cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với nhiệm vụ cải thiện chất lượng ASXH, trong đó trọng tâm là mở rộng diện bao phủ và tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH, BHYT.

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã hoạch định mục tiêu phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế đến năm 2030, về dài hạn hướng đến bao phủ toàn dân; đồng thời xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Những chủ trương, chính sách này cần được triển khai kịp thời, toàn diện, đồng bộ cả trên phương diện xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về BHXH.

Hoàn thiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Trên cơ sở định hướng tại Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng về ASXH - trụ cột là các chính sách BHXH, BHTN, BHYT, để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần bảo đảm ASXH của đất nước, thời gian tới, Ngành BHXH Việt Nam chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Trước hết, cần tích cực nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHXH để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ; bổ sung những người có nhu cầu và khả năng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa được Luật hóa (như: người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, chủ hộ kinh doanh cá thể…); sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (quy định về căn cứ đóng BHXH của doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác). Đề xuất sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHTN bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 01 tháng trở lên; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Đề xuất sửa đổi Luật BHYT theo hướng bảo đảm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển BHYT toàn dân đã được định hướng tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật BHYT với các hệ thống pháp luật khác; sửa đổi Luật BHYT để thống nhất với Luật BHXH về đối tượng tham gia BHXH, BHYT (là người lao động có hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên), đồng thời, bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT (như: người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam; nhóm chức sắc, chức việc, nhà tu hành…); bổ sung, đa dạng hóa các sản phẩm BHYT; kết hợp giữa BHYT với mức đóng cơ bản như hiện nay và BHYT bổ sung để người tham gia có thêm các lựa chọn; xây dựng mức đóng BHYT phù hợp với mức hưởng; phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị đối với quản lý và sử dụng quỹ BHYT, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững chính sách BHYT. Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động theo hướng giao Ngành BHXH Việt Nam được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT để củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống BHXH, BHYT thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT gắn với chỉ tiêu phát triển người tham gia; Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC gắn với tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao tính phục vụ, tạo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đối với người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu có liên quan, đẩy mạnh chuyển đổi số Ngành BHXH Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành; nâng cao năng lực quản trị, sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW.

Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia, thụ hưởng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành BHXH Việt Nam với các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch - Đầu tư, Thuế... để theo dõi chặt chẽ quá trình thành lập doanh nghiệp, khai trình lao động, thống kê lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, kê khai thu nhập tiền lương và quản lý người tham gia BHXH, BHYT đúng quy định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất và quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm khẳng định giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước ta trong công tác ASXH.

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, tăng trưởng kinh tế phải tiến hành đồng thời với tiến bộ và công bằng xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện tốt chính sách ASXH - trụ cột chính là chính sách BHXH, BHYT là bảo đảm phân phối hiệu quả những thành quả của tăng trưởng kinh tế theo hướng công bằng xã hội, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, tạo sự đồng thuận xã hội và là hiện thân của phát triển bao trùm và bền vững.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trên cơ sở những định hướng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn kiện trình Đại hội, Ngành BHXH Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện tốt chính sách BHXH, BHTN, BHYT trong giai đoạn mới, góp phần bảo đảm ASXH, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững./.