Thực hiện bao phủ BHYT 100% HSSV- Động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững

03/09/2020 01:59 PM


Là thế hệ tương lai của đất nước, những năm qua, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Trong đó, chính sách BHYT HSSV là một phương thức quan trọng, hữu hiệu. Thực hiện bao phủ BHYT 100% học sinh, sinh viên vừa là động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững, vừa là giải pháp quan trọng nâng cao sức khỏe, thể chất người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, vì một nền giáo dục toàn diện. Nhân dịp khai giảng năm học mới 2020 - 2021, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT BHXH Việt Nam về chủ đề này.

PV: Với ý nghĩa tạo nguồn quỹ chăm lo sức khỏe cho thế hệ trẻ, BHYT HSSV đã thể hiện lợi thế của mình với những hiệu quả thiết thực. Cũng giống như mọi đối tượng tham gia chính sách BHYT, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, HSSV cũng đang được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách BHYT. Xin Phó Tổng Giám đốc chia sẻ thêm về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Tính đến hết năm học 2019-2020, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT toàn quốc đã đạt 95,2%, tăng 1% so với năm học 2018-2019. Đây một kết quả rất tích cực cho thấy sự thay đổi nhận trong nhận thức về tham gia BHYT của HSSV, các bậc phụ huynh và cơ sở giáo dục.

Qua thống kê, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đang phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT (đạt tỷ lệ hơn 92,5%) thì đến nay, cả nước đã có trên 17 triệu HSSV tham gia (đạt tỷ lệ hơn 96%), trong đó trên 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và trên 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.

Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, HSSV tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Trên tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020. Đối với nhóm đối tượng HSSV, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT HSSV, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV.

Hiện nay, việc thực hiện chính sách BHYT cho mọi người dân nói chung, trong đó có một bộ phận không nhỏ là HSSV đã được luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và tạo ra nền tảng quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta. Đảng, Nhà nước luôn xác định, việc chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm, vì vậy, bên cạnh việc quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật BHYT 2014 cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Luật BHYT 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT. Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC cũng quy định cơ sở giáo dục thu tiền đóng của HSSV để nộp vào quỹ BHYT và các nhà trường có trách nhiệm đảm bảo sử dụng đúng quy định phần kinh phí được trích lại cho công tác y tế trường học.

Quỹ BHYT cũng góp phần giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh. Theo thống kê, đến nay đã có hàng chục triệu lượt HSSV được quỹ BHYT chi trả kinh phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, bệnh mạn tính đã được thanh toán hàng tỷ đồng. Qua việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu

PV: Có thể thấy, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã có sự ổn định, khá bền vững qua các năm, và hiện tại đang tiến rất gần với mục tiêu bao phủ 100%. Theo Phó Tổng Giám đốc điều gì đã làm nên kết quả tích cực này?

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Đó là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng và phối hợp hiệu quả của các ngành: BHXH, GD-ĐT, LĐ-TB&XH, Y tế. Đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp, tích cực, hiệu quả của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trong các trường học trên cả nước. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện BHYT HSSV cũng như hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học.

Hằng năm, theo sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH cấp tỉnh, cấp huyện đều chủ động ký kết chương trình phối hợp với ngành GD-ĐT cùng cấp, ban hành kế hoạch phối hợp, thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành công văn liên ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến các trường học trên địa bàn và tổ chức sơ kết, đánh giá, đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng góp phần nâng cao tầm hiểu biết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình vận động tham gia BHYT HSSV, tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tích cực, thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với chính sách BHYT, thu hút ngày càng nhiều người dân quan tấm đến quyền lợi của việc được tham gia BHYT để bảo vệ bản thân và chia sẻ cộng đồng. Mặt khác, tại các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên cũng đã có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV, trở thành ý thức trách nhiệm của các thầy cô giáo, HSSV và sự đồng tình của phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, trong thực hiện chính sách BHYT HSSV vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục, tháo gỡ. Đơn cử, mặc dù đã có quy định bắt buộc tham gia BHYT nhưng vẫn chưa có biện pháp ràng buộc trách nhiệm đối với HSSV, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT chưa đồng đều tại một số địa phương. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tâm lý chủ quan về sức khỏe nên nhiều HSSV và phụ huynh chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là cần thiết cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

PV: Được biết, năm học 2020 - 2021, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT lên 100%. Để đạt được mục tiêu này, ngành BHXH Việt Nam cần triển khai thực hiện những giải pháp gì, thưa Phó Tổng Giám đốc?

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Thời gian qua, với trách nhiệm của mình, Ngành BHXH đã và đang thực hiện rất tốt việc đảm bảo quyền lợi cho đối tượng là HSSV khi đi khám chữa bệnh; tăng cường cải cách TTHC theo hướng đơn giản, thuận tiện, đặc biệt là với đối tượng HSSV khi tham gia BHYT. Có thể kể đến trường hợp HSSV đã có mã số BHXH, khi tham gia BHYT không phải lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT mà chỉ cần nộp tiền theo quy định; cơ quan BHXH thực hiện việc ghi giá trị sử dụng thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng vào cơ sở dữ liệu và không thực hiện cấp lại thẻ BHYT; với HSSV chưa có mã số BHXH, cơ quan BHXH sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu và cấp thẻ BHYT theo quy định.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2020-2021 đạt hiệu quả, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT, tôi cho rằng, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV năm học 2020-2021 trên địa bàn, giao chỉ tiêu thực hiện cho từng cơ sở giáo dục, phấn đấu 100% về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV.

Đồng thời, phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT HSSV, tổ chức khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ ra quân, truyền thông về công tác BHYT HSSV trước thềm năm học mới 2020-2021 bằng các hình thức phù hợp đến tất cả các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề, tham gia BHYT HSSV theo đúng quy định. Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành có liên quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn, nhất là những HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo kịp thời quyền lợi về khám bệnh, chữa bệnh cho tất cả người dân và HSSV theo quy định của pháp luật.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Công tác triển khai BHYT HSSV trong năm học 2020-2021 vì vậy cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Cơ quan BHXH tại các địa phương hơn bao giờ hết phải phát huy tính chủ động, năng động và nhất là sự linh hoạt, sáng tạo. Xác định rõ vai trò quan trọng của BHYT HSSV là tạo động lực lớn cho công tác phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT năm 2020 và đem lại nền tảng bền vững cho các năm tiếp theo.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghiên cứu, xây dựng, triển khai các giải pháp cụ thể, đặc thù như tuyên truyền, hiện thực hóa hành động của các cơ quan có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, của người dân, các bậc phụ huynh về ý thức trách nhiệm và lợi ích khi tham gia BHYT.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

Phạm Tú