Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

30/01/2020 02:33 PM


Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 04/CT-TTg yêu cầu triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian tới, có khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong một số thời điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (năm xảy ra xâm nhập mặn lịch sử). Về lâu dài, do tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhất là trên hệ thống sông Mê Công, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Ảnh minh hoạ

Do đó, để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tiễn nguồn nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng bảo đảm cấp nước, tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp (chuyển đổi từ trồng lúa ở vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn); rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân, xem xét lùi thời vụ, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không bảo đảm cung cấp trong suốt thời gian sản xuất. Tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy điện (nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến...); chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (thực hiện xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng, trong khung thời vụ, sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn... theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo chuyên ngành, đánh giá nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng vùng, kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương biết để chỉ đạo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (kiểm tra, tổng hợp nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi, kế hoạch sử dụng nước, điều chỉnh thời vụ, giống cây trồng phù hợp,...), chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, cần tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; xây dựng bản đồ trực tuyến cảnh báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giải pháp bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.

Bộ Công thương chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình thuỷ văn, nguồn nước tại các hồ thủy điện để cập nhật phương thức huy động hàng tháng, hàng tuần các nguồn thủy điện phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ du và nhu cầu sử dụng điện của nhân dân. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng cần ưu tiên sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thiết yếu khác theo quy định của Luật Thủy lợi./.

PV