BẢO HIỂM Y TẾ: Khẳng định những bước tiến vững chắc

23/01/2020 05:57 AM


2019 là năm BHYT tiếp tục có bước tiến vững chắc với tỷ lệ bao phủ đạt 90% dân số, quyền lợi của người tham gia được mở rộng và bảo đảm. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, những thành công của việc thực hiện chính sách BHYT trong năm 2019 đã khẳng định vai trò của BHYT trong đời sống xã hội và cuộc sống của Nhân dân...

 

 

Năm 2019, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90% dân số

PV: Trước hết, xin Phó Tổng Giám đốc cho biết những kết quả quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT năm 2019 vừa qua?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Năm 2019 là năm Ngành BHXH chuẩn bị kết thúc Kế hoạch 05 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 05 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Toàn ngành quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hướng tới Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/02/1995-16/02/2020) và đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có lĩnh vực BHYT.

Năm 2019, BHXH Việt Nam tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện, trình Chính phủ, Quốc hội, nhiều văn bản quan trọng liên quan đến lĩnh vực BHYT, như: Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); các dự thảo Thông tư hướng dẫn về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; …

BHXH Việt Nam đã triển khai kịp thời các quy định mới đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi tốt nhất cho người có thẻ BHYT khi KCB. Phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện việc tin học hóa công tác KCB BHYT.

Một trong những kết quả nổi bật nhất trong thực hiện chính sách BHYT năm qua là chúng ta tiếp tục đạt được sự tăng trưởng về số người tham gia. Đến hết năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 90% dân số với trên 85,6 triệu người tham gia, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Quan trọng hơn là việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT luôn được thực hiện tốt. Bằng việc ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong cả nước từ Trung ương đến địa phương, đã góp phần bảo đảm tốt việc khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Trong năm 2019, Ngành đã thực hiện chi khám chữa bệnh BHYT cho trên 186,9 triệu lượt người với kinh phí là hơn 100 nghìn tỷ đồng. Hàng ngàn người được quỹ chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng, đặc biệt, có những bệnh nhân được quỹ chi trả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Phó Tổng GIám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn

PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc, năm 2019 là năm quy định về giá dịch vụ y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc có nhiều thay đổi, tác động tới quỹ BHYT. Xin Phó Tổng Giám đốc cho biết về các giải pháp quản lý hiệu quả sử dụng chi phí BHYT của Ngành trong năm vừa qua?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Năm 2019, Ngành BHXH đã phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế thực hiện tốt chính sách BHYT, kịp thời sửa đổi, bổ sung và triển khai các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT như: Thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT; Hướng dẫn thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT và hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh; Xác định tổng mức và quyết toán chi phí KCB đa tuyến đến năm 2018; Tăng cường giải pháp kiểm soát thực hiện Dự toán KCB BHYT ngay từ đầu 2019; Đổi mã hưởng BHYT theo quy định của Nghị định 146/NĐ-CP đối với đối tượng mang mã CK, CB, KC; Tổ chức thực hiện hợp đồng và quản lý danh mục cơ sở KCB trên Hệ thống giám định; Giải quyết quyền lợi BHYT khi người bệnh chuyển tuyến; Thanh toán chi phí KCB BHYT khi người bệnh sử dụng dịch vụ theo yêu cầu; Thanh toán chi phí KCB BHYT theo giá DVYT; Thanh toán ngày điều trị nội trú ban ngày; Chấn chỉnh công tác giám định thanh toán chi phí KCB BHYT; Trích chuyển chi phí chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP;…

BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện mô hình, phương pháp thực hiện công tác giám định BHYT theo hướng tăng cường giám định điện tử trên hệ thống thông tin giám định BHYT. Chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để giám định và thanh quyết toán.

BHXH Việt Nam kịp thời hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện giao dự toán chi KCB BHYT năm 2019 ngay sau khi có Quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về tình hình quản lý thực hiện BHYT để phối hợp, hạn chế, khắc phục việc lạm dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng thời, đẩy mạnh việc kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở KCB; hoàn thiện các quy tắc giám định trên Hệ thống thông tin Giám định BHYT; thực hiện giám định theo các chuyên đề đã được cảnh báo trên Hệ thống giám sát; phân tích đánh giá, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT; kiên quyết yêu cầu các cơ sở KCB phải kịp thời chuyển dữ liệu KCB về Cổng thông tin giám định.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT.

Hệ thống thông tin Giám định BHYT ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả

PV: Năm 2019, công tác quản lý thuốc và vật tư y tế đã được BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai như thế nào thưa Phó Tổng Giám đốc?

Phó tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Trong KCB BHYT, tổng chi cho thuốc từ Quỹ KCB BHYT là rất lớn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT, với mục tiêu lựa chọn thuốc có chất lượng tốt, giá thành hợp lý và đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh BHYT, năm 2019, BHXH Việt Nam tiếp tục có nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý dược và vật tư y tế trong KCB BHYT.

Với chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT, vấn đề kiểm soát chi phí thuốc trong tổng chi KCB BHYT đã được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Để quản lý chi phí thuốc hiệu quả, ngay từ đầu, cơ sở KCB cần phải thực hiện tốt công tác lập kế hoạch nhu cầu sử dụng thuốc (danh mục, số lượng) và tổ chức tốt hoạt động cung ứng thuốc, đảm bảo mua sắm đủ thuốc chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ hoạt động KCB. Do vậy, tham gia cùng các cơ sở y tế trong đấu thầu, cung ứng thuốc là một trong các giải pháp giúp BHXH tăng cường hiệu quả quản lý quỹ BHYT trong chi trả tiền thuốc và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT.

Những năm gần đây, BHXH Việt  Nam được Chính phủ giao thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia đối với một số hoạt chất, thuốc có chi phí lớn.

Chỉ tính riêng trong 02 năm 2018, 2019, cơ quan BHXH đang tham gia tại khoảng trên 350 hội đồng đấu thầu trên toàn quốc với nhân lực trên 600 cán bộ. Việc cơ quan BHXH tham gia đấu thầu thuốc đã đem lại nhiều lợi ích trong kết quả đấu thầu thuốc: Giá thuốc giảm, lựa chọn thuốc hợp lý hơn, đem lại tiết kiệm cho quỹ BHYT hàng nghìn tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Quá trình đấu thầu, việc tham gia của BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương đã có nhiều ý kiến tích cực, đặc biệt là khâu xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông qua điều chỉnh các bất hợp lý như cách ghi thông tin của thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, yêu cầu chuyển các thuốc có hàm lượng không phổ biến, giá cao, sang các thuốc có hàm lượng thông dụng, giá hợp lý; đề nghị điều chỉnh giảm số lượng thuốc biệt dược gốc sang thuốc generic (đặc biệt các thuốc có giá biệt dược gốc cao hơn nhiều so với generic nhóm 1), đề nghị điều chỉnh số lượng thuốc kế hoạch không phù hợp với thực tế sử dụng,.. Qua đó, đã tiết kiệm so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm trước có khi lên tới hàng chục tỷ đồng cho một hội đồng đấu thầu. Đồng thời là cơ sở thực tiễn trong tham gia hoàn thiện các thông tư, hướng dẫn đấu thầu thuốc.

PV: Năm 2020, trong việc thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH sẽ tập trung vào những nội dung gì thưa ông?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Năm 2020, với mục tiêu triển khai thực hiện chính sách BHYT đạt kết quả tốt, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ triển khai toàn diện công tác thực hiện chính sách BHYT. Trong đó, tập trung chú ý một số nội dung:

Thứ nhất, phát triển đối tượng tham gia BHYT. Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW được cụ thể hóa trong Luật BHYT là phải thực hiện toàn dân tham gia BHYT. BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo địa phương đẩy nhanh độ bao phủ, phấn đấu đạt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.

Thứ hai, tích cực tham gia xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến BHYT theo tiến độ của Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan.

Thứ ba, thường xuyên chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thực hiện chính sách BHYT. Tăng cường kiểm tra chuyên sâu công tác thực hiện chính sách BHYT. Bám sát, theo dõi các tỉnh, thành phố có bội chi lớn và gia tăng chi phí KCB để có giải pháp kịp thời nhằm giảm bội chi quỹ BHYT.

Thứ tư, tổ chức, chỉ đạo điều hành dự toán năm 2020. Xây dựng, điều chỉnh dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2021.

Thứ  năm,  tăng  cường  công  tác  thanh  tra  kiểm  tra,  hướng  dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh, thành phố và các cơ sở KCB BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT.

Thứ sáu, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố làm tốt các công tác, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chính sách BHYT năm 2020./.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

PV (thực hiện)