06 tháng đầu năm 2022: Nhiều kết quả khởi sắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

06/06/2022 02:14 PM


Ngày 6/6, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan tháng 6/2022. Tham dự buổi giao ban có Phó Chủ tịch HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường, các Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo các ban, vụ BHXH Việt Nam cùng Giám đốc BHXH Hà Nội.

Tính đến hết tháng 5/2022, tổng số người tham gia BHXH, BHYT,BH thất nghiệp trong cả nước trên 16,7 triệu người, đạt 33,81 lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 507.000 người so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 15,4 triệu người và tăng trên 376.000 người so với cùng kỳ năm 2021; số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,3 triệu người, tăng 130.734 người so với cùng kỳ năm. Đáng chú ý, số người tham gia BHYT trên 86,2 triệu người và đạt 87,15% dân số tham gia BHYT.

Về công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, mặc dù số người tham gia BHXH, nhất là BHXH bắt buộc có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm cũng như so với cuối năm 2021, song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Qua khảo sát của các địa phương, nhu cầu SDLĐ là gần 2 triệu người, trong đó các tỉnh như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương sử dụng khoảng 530.000 người. Thế nhưng, số lao động quay trở lại TP.HCM, Bình Dương vẫn ít do NLĐ có sự so sánh thu nhập tại đây với địa phương cư trú, đặc biệt các địa bàn này chưa thực sự thu hút được NLĐ an tâm lập nghiệp.

Công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng so tháng trước khoảng 22.000 người (đặc biệt trong lễ ra quân đã vận động được 30.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 70.000 người tham gia BHYT) nhưng hiện vẫn giảm so với 2021. Số người tham gia BHXH tự nguyện giảm 150.000 người, trong đó chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ (giảm khoảng 1/3).

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ngành BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp, tham gia với Văn phòng Chính phủ thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đối với một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành được tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Quốc gia. Rà soát, cập nhật, đồng bộ dữ liệu phục vụ theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC trên Cổng DVC Quốc gia. Tiếp tục mở rộng, cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 của Ngành trên Cổng DVC Quốc gia; bổ sung, cung cấp dịch vụ, tiện ích, DVC trên ứng dụng VssID (đến hết tháng 02/2022, trên toàn quốc đã có gần 25 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH, đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID).

Thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã tập trung vào một số giải pháp có hiệu quả tốt phát triển người tham gia như nắm bắt tình hình hoạt động DN trên địa bàn để thông tin đến NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt HĐLĐ quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; tích cực rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển người tham gia; tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thanh tra chuyên ngành đột xuất các đơn vị nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm; phối hợp, đôn đốc cơ quan tài chính chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng; tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục trích tiền ngân sách mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp phát triển BHYT HSSV; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường cho biết, vừa qua HĐQL đã họp và có 2 Nghị quyết. Đặc biệt, trong cuộc họp, các ủy viên đã nêu một số căn cứ pháp lý thực hiện chính sách BHXH, BHYT chưa rõ cần kiến nghị sửa đổi. Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, HĐQL cũng nhận thấy nếu theo tốc độ đang phát triển hiện nay thì đến năm 2025 sẽ khó đạt chỉ tiêu về độ bao phủ như Nghị quyết số 28 đề ra. Do đó, BHXH Việt Nam cần có biện pháp, kế hoạch nhằm đáp ứng mục tiêu Nghị quyết, nhất là hiện nay dư địa phát triển người tham gia còn lớn…

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tổng Giám đốc đề nghị các đơn vị rà soát lại chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo ngành để thực hiện như thành lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ cấp bách như chỉ đạo của Chính phủ; rà soát kế hoạch công tác năm 2022.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm là phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, yêu cầu Ban quản lý Thu - Sổ thẻ chủ trì, tham mưu để lãnh đạo chỉ đạo nhiệm vụ này, có giải pháp đôn đốc giám sát; rà soát đối tượng tiềm năng, lượng hóa và giao nhiệm vụ cho các địa phương. Ban thực hiện chính sách BHXH, BHYT phải đưa ra các dự báo trong thời gian tới và có giải pháp thực hiện, tháo gỡ khó khăn; bám sát thực hiện giải quyết quyền lợi cho NLĐ mắc Covid-19. “Các gói hỗ trợ chính sách về an sinh được Chính phủ đánh giá tốt, nhất là gói hỗ trợ của ngành BHXH với thủ tục nhanh chóng, cải cách, chi trả kịp thời cho NLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị giao ban cơ quan BHXH Việt Nam tháng 6/2022.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của Ngành để nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời bám sát, tham gia tích cực vào việc sửa các luật như Luật Thanh tra, Luật Khám chữa bệnh… qua đó đánh giá tác động để đưa ra những đề xuất phù hợp.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc; hoàn thiện các quy trình như quy trình giám định, quy trình hạch toán quỹ; đánh giá toàn diện về việc sử dụng vật tư y tế;... Đồng thời, phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; rà soát lại các địa phương đã ban hành Nghị quyết về giao phát triển BHXH, BHYT đến các xã hay chưa; công tác hỗ trợ cùng mức hỗ trợ BHXH, BHYT của các địa phương…

Đặc biệt, rà soát, đánh giá nguyên nhân trong phát triển, thực hiện BHXH, BHYT; giải quyết kịp thời chế độ cho người dân với tinh thần cải cách tốt nhất đi đôi với việc quản lý; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT; công tác thanh tra; chấp hành nghiêm kỷ cương kỷ luật, gắn thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị./.

PV