ĐBQH Lê Thị Thanh Lam: NLĐ rút BHXH một lần sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy

03/06/2022 02:51 PM


Thảo luận tại hội trường, ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho biết, tình trạng NLĐ rút BHXH một lần những tháng đầu năm 2022 đã gây rất nhiều hệ lụy, không chỉ bản thân họ, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội…

Đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022, ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho biết, tình hình lao động việc làm có bước khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I/2022 giảm so với quý IV/2021, thu nhập của NLĐ bước đầu được cải thiện. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần do cuộc sống khó khăn, bấp bênh. Cùng với đó, vẫn còn những bức xúc kéo dài chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng, cụ thể như: Tiền lương thấp và thiếu tích lũy; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu đảm bảo...

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam: NLĐ rút BHXH một lần sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy

Theo thông tin đã được công bố trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút BHXH một lần; dự kiến năm 2022 có thể lên tới 1 triệu người. Nếu vấn đề này xảy ra, thì đây là một kỷ lục buồn, bởi lẽ cả nước hiện chỉ có 16,4 triệu người tham gia BHXH. Hầu hết mọi người biết thiệt thòi, nhưng vẫn quyết định rút BHXH một lần vì nghèo túng, bức bách và nợ nần. Họ cần phải có tiền để trả các khoản vay nóng, chi KCB cho người thân, thậm chí để lo chi phí sinh hoạt hằng ngày...

Bên cạnh đó, một phần còn có nguyên do nhiều người chưa nhận thức hết lợi ích của việc giữ lại BHXH. Một bộ phận lại lo lắng chính sách này sẽ thay đổi, khó rút hoặc bị thiệt thòi hơn, thời gian đóng BHXH dài hơn mới được hưởng lương hưu. NLĐ rút BHXH một lần gây ra rất nhiều hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài không chỉ với bản thân họ, mà còn tác động lên hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, NLĐ chịu thiệt thòi nhất, đặc biệt là những NLĐ nghèo càng trở nên khó khăn hơn khi về già, không tích lũy, không lương hưu, không BHYT, thiếu chỗ dựa, tạo gánh nặng cho người thân và xã hội.

Hình minh họa (nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn)

Trước thực tế này, ĐB Lê Thị Thanh Lam kiến nghị Chính phủ quyết liệt triển khai các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm song song với thực hiện các giải pháp, chính sách và quy định đảm bảo cuộc sống cho NLĐ. Trước hết là bảo đảm việc làm bền vững, lương đủ sống, tiến tới có tích lũy, nâng lương tối thiểu vùng nhằm bù đắp một phần trượt giá và sự chia sẻ của NLĐ sau hơn 2 năm chưa được tăng lương. Ưu tiên quan tâm và tăng đầu tư các chính sách về BHXH, phúc lợi xã hội, nhà ở, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có BHXH Việt Nam cần có chiến lược truyền thông tổng thể để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp NLĐ có được nhận thức một cách đầy đủ về chính sách BHXH. Đồng thời, cần có những giải pháp cải cách TTHC, tinh gọn bộ máy, tổ chức thực hiện chính sách một cách tiết kiệm, hiệu quả để đem lại lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia BHXH; qua đó từng bước xây dựng và củng cố niềm tin đối với các chính sách.

Đặc biệt, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm; quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy định về tiền lương để đảm bảo tiền lương đóng phải tiệm cận dần tới mức lương và thu nhập thực tế của NLĐ. Từ đó, góp phần cải thiện mức lương hưu, thu hẹp khoảng cách về tiền lương hưu với tiền lương khi còn đang làm việc. Thực hiện sửa đổi công thức tính lương hưu theo hướng bên cạnh nguyên tắc đóng-hưởng, cần phải có tính chia sẻ…

 

PV