“Cải cách chính sách BHXH theo mô hình đa tầng – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”

08/12/2017 03:20 PM


Là tiêu đề Tọa đàm do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức chiều ngày 07/12, tại Hà Nội.

Quang cảnh Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết: Vấn đề cải cách chính sách BHXH trong bối cảnh phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng bao trùm, nâng cao chất lượng an sinh đang được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong đó, BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, BH hưu trí chính là nền móng của chế độ BHXH, xét về cả vai trò, ý nghĩa và giá trị lịch sử của chế định này.

Những năm gần đây, Việt Nam chú trọng nhiều để phát triển hệ thống BHXH đa dạng và linh hoạt bằng việc mở rộng các hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, vận hành thêm các chế độ BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, kết nối chặt chẽ với cách chính sách an sinh xã hội khác để BHXH thực sự trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội vẫn còn chưa được quan tâm nghiên cứu đầy đủ, còn nhiều vấn đề về lý thuyết và thực tiễn cần được giải đáp.

Tại tọa đàm, các đại biểu đưa ra nhận định, an sinh xã hội là khía cạnh chính sách phát triển nhanh nhất ở châu Á và phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. An sinh xã hội có thể được hiểu là một hệ thống tích hợp các biện pháp can thiệp chính thức, đôi khi là không chính thức của nhà nước hoặc tư nhân nhằm giảm các rủi ro về kinh tế xã hội, các tổn thương, sự loại trừ và thiếu thốn cho người dân nhằm thúc đẩy tăng trưởng công bằng giúp giảm nghèo; tạo ra tác động phát triển trên diện rộng- về phát triển vốn con người, kinh tế hộ gia đình và quản lý các rủi ro xã hội; khung kế hoạch tổng hợp và toàn diện về an sinh xã hội thúc đẩy phát triển xã hội bao trùm và tăng trưởng kinh tế công bằng. An sinh xã hội cũng còn có tác động tới bền vững về kinh tế, gắn kết xã hội và giảm bất công bằng.

Từ những kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, các đại biểu nhận định trong tương lai cần xây dựng mô hình BHXH đa tầng theo hướng mỗi rủi ro cần có nhiều phương thức và nguồn lực để bảo đảm về sức khỏe và thu nhập cho người dân. Dưới góc độ các chính sách an sinh xã hội cần được thiết kế trong một tổng thể chung và lấy con người làm trung tâm. Các chính sách an sinh xã hội cần đa dạng nhưng không chồng lấn và được thiết kế dựa trên những rủi ro mà mỗi người có thể gặp phải.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đưa ra giải pháp cho việc cải cách BHXH ở Việt Nam như: Cần hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng hướng tới BH hưu trí toàn dân để mọi người dân khi hết tuổi lao động đều có lương hưu. Ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ có khoảng 47% người cao tuổi có lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội và trợ cấp ưu đãi NCC hàng tháng .Trong tương lai, chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng 100% NCT có lương hưu bằng cách chính thức hóa thật nhiều việc làm không chính thức để tỷ lệ người lao động tham gia BHXH ngày càng cao; khuyến khích người dân tham gia các loại hình bảo hiểm khác để bên cạnh lương hưu BHXH còn được hưởng lương hưu bổ sung (cao hơn) trong tương lai.

Cải cách chính sách BHXH theo hướng phát huy tối đa chức năng của từng chính sách BHXH và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách BHXH. Thực tế thời gian qua, từng chính sách chưa thực sự phát huy được hết chức năng và phù hợp với bản chất của chính sách, giữa các chính sách chưa có sự kết nối và hỗ trợ để đạt mục tiêu chung. Chẳng hạn, chính sách BH thất nghiệp mới chỉ thực hiện được chức năng chi trả trợ cấp thất nghiệp, các chính sách chủ động như hỗ trợ đào tạo, giới thiệu và chắp nối việc làm, duy trì việc làm, bảo vệ việc làm còn hạn chế. Chính sách BH thất nghiệp chưa hỗ trợ được duy trì và mở rộng diện bao phủ của các chính sách khác. Yêu cầu này càng quan trọng đối với tổ chức thực hiện chính sách BH thất nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu cốt lõi của chính sách là đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người thất nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm mới, nhanh chóng đưa người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho NLĐ, hạn chế sa thải đối với NLĐ…/.

PV