Cần thiết phải cải cách chính sách BHXH

19/10/2017 05:20 PM


Ngày 19/10 tại Vĩnh Phúc, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức toạ đàm đánh giá thực trạng và định hướng cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam” khu vực phía Bắc. Tham dự toạ đàm có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Namg Trần Đình Liệu, các chuyên gia an sinh xã hội cùng đại diện các Bộ, ngành cơ quan và đại diện Sở LĐ-TB&XH, BHXH một số tỉnh khu vực phía Bắc.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết: BHXH là trụ cột của hệ thống trụ cột của chính sách an sinh xã hội, được Đảng và Nhà nước quan tâm. Từ những năm 1962- 1995, Việt Nam chính sách BHXH được thực hiện tập trung vào đối tượng công chức viên chức nhà nước. Sau đó, chính sách BHXH được đổi mới qua từng giai đoạn và đã mở rộng đến nhiều loại hình đơn vị, nhất là DN có từ 10 lao động trở lên, đặc biệt từ 1/1/2018 BHXH tiếp tục mở rộng đối tượng, đến khu vực lao động có HĐLĐ từ 1- 3 tháng, NLĐ nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Tính đến nay, có khoảng 13 triệu người tham gia BHXH chiếm 28% lực lượng lao động; hằng năm có khoảng 4- 5 triệu người hưởng chính sách BHXH ngắn hạn; 150.000 hưởng các chế độ dài hạn và có gần 3 triệu người hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng. Nếu tính tất cả đối tượng (NKT, người nghèo, NCC...) thì Việt Nam đã có khoảng trên 50% NCT được hưởng lương hưu, các trợ cấp khác...

Cũng theo ông Lê Quân, trong bối cảnh sắp tới, chính sách BHXH cần phải cải cách bởi có những hạn chế nhất định cần có giải pháp như: Tỉ lệ bao phủ BHXH chưa cao bởi với 13 triệu người tham gia BHXH thì để đạt mục tiêu an sinh phúc lợi thì cần phải nâng độ bao phủ và đây là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng người tham gia BHXH tự nguyện thấp, rất nhiều lao động xin hưởng BHXH 1 lần (khoảng 700.000 người/năm), nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, làm các khu vực kinh tế nặng nhọc, lao động nữ... “Nếu chúng ta không xử lý sớm các vấn đề này thì nguy cơ về dài hạn quỹ BHXH sẽ xảy ra mất cân đối. Do đó, chính sách BHXH cần được đổi mới trong giai đoạn tới để đáp ứng được những xu hướng trước dân số tăng, tuổi thọ tăng, già hoá dân số tăng, di dân, cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề đóng BHXH không phải như tính chất trước đây, các chế độ BHXH dần dần đưa CNTT vào, ứng dụng với chính sách việc làm, công tác thống kê và rất nhiều công tác an sinh khác...”- ông Lê Quân khẳng định.

Theo chuyên gia an sinh xã hội Nguyễn Thị Diệu Hồng, dù nhận thức BHXH là một chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội nhưng BHXH chưa gắn kết hiệu quả với các hợp phần khác trong hệ thống an sinh xã hội (chính sách bảo trợ xã hội, trợ cấp NCT, chính sách NCC, việc làm...) dẫn đến chồng lấn trong thụ hưởng chế độ và tình trạng lạm dụng các chính sách xã hội của Nhà nước và làm phân tán nguồn lực của Nhà nước trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó, người dân thiếu nhận thức và thói quen về phòng tránh rủi ro mất thu nhập khi xảy ra các biến cố như ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hết tuổi lao động hoặc chết thông qua việc tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, chính sách và chế độ BHXH còn chưa thích ứng đúng mức với quá trình già hoá dân số, tuổi nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hoá với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là một gánh nặng lớn cho quỹ BHXH. Đặc biệt, dù trải qua nhiều lần cải cách nhưng chính sách BHXH vẫn tiếp tục mang yếu tố cơ chế bao cấp như: Tỉ lệ hưởng lương hưu quá hào phóng (tối đa 75%) dẫn đến mất cân đối giữa đóng- hưởng; điều kiện hưởng hưu trí cao với tối thiểu 20 năm đóng BHXH (nhiều nước chỉ 10 hoặc 15 năm) dẫn đến tăng tình trạng hưởng BHXH 1 lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH cũng như làm giảm số người hưởng lương hưu trong tương lai; thiếu cơ chế thưởng- phạt đối với các trường hợp nghỉ hưu sau và trước độ tuổi theo quy định. Bà Hồng nhấn mạnh: “Quy định quản lý nhà nước về BHXH còn phân tán và chồng chéo, các hoạt động của cơ quan BHXH đang chịu sự quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành; quy định vai trò quản lý nhà nước về BHXH ở địa phương còn mờ nhạt”.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách BHXH hiện nay, đồng thời đề xuất những cải cách trong thời gian tới như: Xây dựng liên kết chính sách BHXH với các hợp phần khác của hệ thống an sinh xã hội, cơ chế đồng bộ liên thông giữa công tác quản lý lao động- việc làm để đảm bảo mọi NLĐ đều được vào hệ thống BHXH; chỉ tiêu phát triển BHXH là một chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm; điều chỉnh các thông số kỹ thuật của chính sách BHXH để thích ứng với quá trình già hoá dân số ở Việt Nam..../.

PV