Đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động

29/05/2019 10:00 PM


Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 29/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội

Đối với việc gia nhập nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể: Thảo luận về nội dung này, các ý kiến phát biểu đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98, cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh đó, các đại biểu (ĐB) cũng tập trung thảo luận về một số nội dung cụ thể như: Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98; tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Công ước số 98 với luật, nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khả năng áp dụng trực tiếp, toàn bộ hoặc một phần Công ước số 98; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện Công ước số 98…

Đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi): Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về sự cần thiết xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Ngoài ra, các ĐB cũng tập trung thảo luận về các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thời giờ làm việc bình thường; việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên không quá 400 giờ (tăng thêm 100 giờ); căn cứ xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; nghỉ lễ, tết; việc nghỉ bù thời gian nghỉ Tết Âm lịch; việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27 tháng 7 Dương lịch); độ tuổi,  lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; thương lượng tập thể; thỏa ước lao động tập thể; tổ chức đại diện của người lao động; …

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh quochoi.vn

Đa số ĐBQH tán thành với tăng tuổi nghỉ hưu

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này là tăng tuổi nghỉ hưu. Thảo luận tại Tổ chiều ngày 29/5, đa số ĐBQH đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu; đồng thời đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đưa ra 02 phương án trình Quốc hội xem xét. Trong đó, Phương án 01 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; Phương án 02 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với Phương án 01, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 02 có lộ trình nhanh hơn Phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026  và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 01 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

ĐB Bùi Sỹ Lợi phát biểu thảo luận tại tổ chiều 29/5. Ảnh quochoi.vn

Thảo luận tại Tổ, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết, theo đánh giá cơ quan y tế thế giới ở Việt Nam tất cả những người về hưu (nữ ở tuổi 55, nam ở tuổi 60) vẫn còn 42% số người đó tham gia thị trường lao động để tạo thêm thu nhập trong khi mức hưu lương hưu bình quân ở người nghỉ hưu thấp, trên 3 triệu “đặc biệt là giáo viên mầm non, mẫu giáo lương chưa đến 1.390.000 đồng - không bằng tiền lương cơ sở”.

“Nếu kéo dài thêm thời gian làm việc chính là kéo dài thêm thời gian tích luỹ quỹ hưu trí để khi người lao động về hưu có mức lương hưu cao hơn. Chính sách BHXH hiện nay được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp và tiền lương được san bằng cả khu vực công và tư đều tính bằng cả quá trình tham gia đóng BHXH. Sau này cả hai khu vực này sẽ hòa làm một. BHXH tiến tới mỗi cá nhân người lao động tham gia BHXH đều có tài khoản cá nhân để theo dõi công khai minh bạch tiền đóng BHXH” - ĐB Bùi Sỹ Lợi nói.

Cũng theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, việc tăng tuổi nghỉ hưu là “đi trước, đón đầu” để tiếp cận quá trình già hoá dân số. Đến năm 2039, nguồn nhân lực Việt Nam bắt đầu đến giai đoạn già hoá, giống Nhật Bản. “Chúng tôi đang nghiên về hưu chậm hơn để tránh sốc cho thị trường lao động. Hiện các nước như Việt Nam cứ 1,2 triệu vào khu vực sản xuất kinh doanh thì có 400.000 người ra khỏi khu vực nghỉ hưu và dần tăng lực lượng lao động”.

Cùng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng tán thành việc tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình để nâng dần tuổi nghỉ hưu, đáp ứng xu thế dân số già trong giai đoạn tới để không bị động sau này.

ĐB Lê Văn Sỹ (đoàn Thanh Hoá) cũng nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu lộ trình theo phương án 1 Chính phủ lựa chọn hợp lý song người lao động có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 năm phải nghiên cứu kỹ đồng thời Chính phủ quy định kỹ hơn về nhóm ngành nghề này.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đồng tình với tăng tuổi nghỉ hưu và đề nghị cần chế độ hưu linh hoạt.

Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, phù hợp

Đồng tình với phương án của Chính phủ đưa ra, đại biểu Võ Trọng Việt (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp. Bởi như quy định hiện hành thì tuổi nghỉ hưu là sớm, trong khi sức lao động của người lao động vẫn còn, đời sống phát triển khiến tuổi thọ của người dân cũng tăng. ĐB Võ Trọng Việt đề nghị nên quy định theo phương án 01 của Chính phủ là tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. 

ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đồng ý với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, bởi theo ông năng suất lao động của chúng ta còn thấp; tuổi thọ người Việt Nam ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Bởi hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên. Rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, ĐB Đào Tú Hoa cũng đề xuất, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định này với một số Luật quy định hiện hành. Chẳng hạn, Nghị định 141 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học quy định tuổi nghỉ hưu kéo dài không quá 5 năm đối với tiến sĩ, không quá 7 năm với phó giáo sư và không quá 10 năm với giáo sư.

ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tán thành với tăng tuổi nghỉ hưu nhưng đề nghị Chính phủ cần lý giải thêm, đánh giá thêm những ngành nghề mới phát sinh có dự báo trước đưa vào, khi nhận thức đồng thuận người dân ko có hiểu lầm tăng tuổi áp dụng cho tất cả đối tượng lao động.

Đồng tình với quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới cũng như sự già hoá dân số và nhu cầu đảm bảo an toàn quỹ BHXH. Đặc biệt, không phải tất cả mọi đối tượng trong khu vực công tư, trong các lĩnh vực đều tăng tuổi nghỉ hưu bình quân như nhau.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu căn cứ vào rất nhiều mục tiêu khác như đảm bảo bền vững quỹ BHXH dài hạn, vấn đề già hóa dân số, giảm khoảng cách về giới…

Ông cho hay: Năm 2014, Việt Nam bắt đầu bước vào già hóa dân số. Cụ thể, từ năm 2000 bình quân mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động nhưng đến nay giảm xuống còn khoảng 400.000 người. Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với nhiều nước nên phải tăng có lộ trình tuổi hưu để đón đầu già hóa dân số. Tới nay tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang là 76,6 tuổi.../.

PV