PHÁC HỌA MỘT CHÂN DUNG

Bài 3. Một nhân cách lớn...

21/01/2020 03:26 PM


Ngày 08/06/1998 (tức ngày 14/05 năm Mậu Dần), giây phút đồng chí Đỗ Văn Sinh cầm chiếc khăn lau mặt cho Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu, chị Phạm Thị Nhiên khuỵu xuống, ngất xỉu trong tay cậu con trai cả, đoàn cán bộ BHXH Việt Nam không ai bảo ai đều cố kìm để không khóc òa lên. Trong không gian, vẳng lên một tiếng chuông từ một ngôi chùa gần đấy. Một linh hồn, một NHÂN CÁCH đã ra đi...

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu và phu nhân, Xuân Bính Tý 1996

Tháng 10 năm 1997

Câu chuyện lúc chiều của bác Hồ Tế, Chủ tịch Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam làm chị Phạm Thị Nhiên không khỏi suy nghĩ. Bác Hồ Tế kể, Anh hùng Trịnh Tố Tâm cũng mắc căn bệnh như anh Châu, sau một thời gian chữa trị tại Singapore đã có chuyển biến tốt. Lúc này, căn bệnh ung thư máu được phát hiện ở Việt Nam chưa nhiều và thực sự là "án tử" với những người không may mắc phải.

Cân nhắc mãi, cuối cùng chị Nhiên cũng lựa lời nói chuyện với chồng. Chị đã quyết định rồi, anh chính là "tài sản" quý giá nhất của chị và các con. Dù có phải bán đi tất cả, chị và các con cũng quyết tâm để anh được hưởng các dịch vụ kỹ thuật y tế và phương pháp chữa bệnh tiên tiến nhất. Không ngờ lời còn chưa nói hết, chị đã bị anh phản đối kịch liệt. Anh bảo, anh muốn chữa bệnh ở nhà, muốn gần chị và các con. Hai con trai lúc này đang bước vào tuổi lập nghiệp (cậu con trai lớn đã học xong Đại học, cậu con trai nhỏ vừa thi đỗ 02 trường Đại học danh tiếng). Anh không muốn gia đình phải khánh kiệt vì căn bệnh quái ác không có tương lai của anh, càng không muốn tương lai của các con phải lỡ dở vì anh. Sau bao ngày ba mẹ con kiên trì thuyết phục, cộng thêm sự phân tích của bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng nội ngoại, tháng 12/1997, anh đồng ý đi Singapore chữa bệnh. Chị xin nghỉ phép đi chăm anh, cậu con trai cả vốn rất giỏi tiếng Anh đi theo làm phiên dịch. Chi phí trị bệnh cho anh cộng với sinh hoạt phí cho 03 người ở đảo quốc Singapore nổi tiếng là đắt đỏ chẳng cần nói cũng biết là tốn kém đến nhường nào.

Kết thúc đợt trị liệu đầu tiên, tình trạng bệnh của anh có vẻ được cải thiện. Thể theo nguyện vọng của anh, chị đưa anh về nước ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình. Về nhà, tin vui về việc Chính phủ đã ký Quyết định số 20/1998/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam, trong đó có nhiều điểm quan trọng như xác định chi phí quản lý của hệ thống BHXH Việt Nam được tính bằng 6% tổng số thu trong thời gian 05 năm trước mắt... đã làm anh phấn khởi hơn, bệnh tình cũng vì thế mà thuyên giảm thêm vài phần. Cũng là điều dễ hiểu, bởi Quy chế quản lý tài chính này đã được anh và các cộng sự ấp ủ bao lâu nay, nó chính là cơ chế pháp lý quan trọng để BHXH Việt Nam chủ động hơn trong hoạt động ở buổi đầu thành lập đầy khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, sự thăm hỏi, động viên của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế cũng là nguồn cổ vũ, động viên anh tiếp tục kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Nghe tin anh về nước nghỉ giữa 02 đợt điều trị, đồng chí Tổng Giám đốc cơ quan Tổng hợp liên nghề về hưu trí của người làm công (IGIRS) của Cộng hoà Pháp nhân chuyến sang làm việc với BHXH Việt Nam đã đến tận nhà thăm. Nhìn cơ ngơi của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, người đồng cấp ở quốc gia được mệnh danh là Ánh sáng văn minh đã phải thốt lên đầy cảm thán: "Tổng Giám đốc của các bạn sống giản dị quá!".

Tháng 04/1998, chị Nhiên và con trai tiếp tục đưa anh Châu sang Singapore để tiếp tục quá trình trị liệu. Lần điều trị này, tâm thế của anh có phần thoải mái hơn, bớt đi những lo nghĩ về công việc khi mọi hoạt động của Ngành đã từng bước đi vào ổn định sau những khó khăn, vất vả ban đầu.

Những tưởng tâm lý ổn định, quá trình điều trị sẽ chuyển biến tốt hơn, nhưng có lẽ do phát hiện bệnh quá muộn, lại thêm thể chất của anh Châu không được tốt vì những ngày tháng làm việc lao lực quá sức, cuối tháng 05/1998, bệnh tình của anh diễn biến ngày một xấu đi. Các bác sĩ Singapore khuyên chị Nhiên nên đưa anh về nước.

Ngày 04/06/1998, đoàn cán bộ BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Phạm Thành dẫn đầu có mặt tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đón và đưa anh về Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù lúc này anh đã hôn mê sâu, sự sống được duy trì phụ thuộc vào máy móc, nhưng chẳng ai bảo ai, cả đoàn cán bộ BHXH Việt Nam (từ Phó Tổng Giám đốc Phạm Thành, Trưởng Ban Kế hoạch-Tài chính Đỗ Văn Sinh (nay là Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), đồng chí Vũ Đức Thuật, chuyên viên Ban Kế hoạch-Tài chính (nay là Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội), Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam Trần Ngọc Tấn và 06 cán bộ, nhân viên của Văn phòng đại diện phía Nam), đều bước đến nắm chặt tay anh. Giây phút này, mọi người đều mong muốn truyền một chút hơi ấm của mình cho người Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngành - người được tất cả mọi người yêu mến và kính trọng. Đau đớn, xót xa, nhưng tất cả đều cố gắng không để nước mắt mình rơi xuống để người đi có thể thanh thản. Phong tục người Việt Nam cho rằng, nếu người thân rơi nước mắt, mỗi bước chân của người đi về cõi vĩnh hằng sẽ nặng nề hơn.

Ngày 08/06/1998 (tức ngày 14/05 năm Mậu Dần), giây phút đồng chí Đỗ Văn Sinh cầm chiếc khăn lau mặt cho Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu, chị Phạm Thị Nhiên khuỵu xuống, ngất xỉu trong tay cậu con trai cả, đoàn cán bộ BHXH Việt Nam không ai bảo ai đều cố kìm để không khóc òa lên. Trong không gian, vẳng lên một tiếng chuông từ một ngôi chùa gần đấy. Một linh hồn, một NHÂN CÁCH đã ra đi...

Ngày 05 tháng 02 năm 2010

Đặt tấm Huân chương Lao động Hạng Hai mà Chủ tịch nước vừa truy tặng cho cố Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu lên ban thờ, thắp một nén nhang, bà Phạm Thị Nhiên vừa ngắm nhìn tấm di ảnh của chồng, vừa thầm thì như đang trò chuyện cùng ông: "Bố nó về nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước truy tặng cho bố nó đi này. Bố nó yên lòng nhé. Tâm nguyện của bố nó khi còn sống, cả việc chung, việc riêng đều đã vẹn tròn. Ngành BHXH Việt Nam từ buổi khó khăn ban đầu đã từng bước phát triển vững mạnh. Các con trai, con dâu của ông noi gương cha, nối nghiệp mẹ, cũng đều đã trưởng thành. Con trai cả của ông đã bảo vệ thành công Tiến sĩ ở Australia, con trai út của ông cũng hoàn thành khóa đào tạo Thạc sĩ ở Anh. Con dâu lớn công tác tại một Ngân hàng thương mại. Riêng con dâu út nối nghiệp cha chồng, tiếp tục cống hiến, phục vụ trong Ngành BHXH, đến nay cũng đã được bổ nhiệm Trưởng phòng Tổng hợp và Quản lý Dự án, Vụ Hợp tác Quốc tế. Các cháu nội của ông đều ngoan ngoãn, học giỏi. Ông vắn số, nhưng phúc lộc mà ông để lại cho con cháu thì dài...".

Bà Nhiên cứ đứng nói thầm như vậy. Hình như người trong ảnh đang nhìn bà cười mãn nguyện./.

Ngọc Ánh