10 dấu ấn nổi bật về an sinh xã hội năm 2019

22/01/2020 12:50 PM


Đất nước ta vừa đi qua năm 2019 - một năm tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được ghi dấu ấn với việc thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi, Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cả nước hoàn thành trước mục tiêu về nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh…

1. Nghị quyết 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH từng bước đi vào cuộc sống

Sau hơn 01 năm thực hiện, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH từng bước đi vào cuộc sống, tạo động lực lớn cho công tác tổ chức thực hiện chính sách này. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, nhiều Đề án đang được xây dựng, triển khai từng bước đạt được các mục tiêu về phát triển BHXH bền vững, hướng tới “BHXH toàn dân”. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã được 63/63 các Tỉnh, thành ủy, UBND các cấp nghiêm túc thực hiện qua việc ban hành Chương trình động, kế hoạch thực hiện, quán triệt các mục tiêu phát triển BHXH đến các giai đoạn 2021, 2025, 2030.

2. Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi, phù hợp yêu cầu thực tiễn

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, với 90,06% số đại biểu quốc hội tham dự tán thành, Bộ luật Lao động sửa đổi đã được thông qua với nhiều quy định mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng quan hệ lao động và phát triển lực lượng lao động.

Để phù hợp với yêu cầu đặt ra từ thực tiễn quan hệ lao động của nước ta cũng như phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ luật Lao động lần này đã có những điều chỉnh quan trọng liên quan tới quyền của người lao động như: thời giờ làm việc bình thường; về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu; về nghỉ lễ, tết; về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan.

3. Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia

Ngày 09/12/2019, Chính phủ đã ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia, đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ", không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.

Cổng dịch vụ công quốc gia lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

4. Dấu ấn 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật BHYT

Năm 2019 đánh dấu 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Theo đó, cùng với công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, công tác tổ chức thực hiện đạt được bước tiến lớn. Tỷ lệ bao phủ BHYT từ 58,2% năm 2009 tăng lên nhanh chóng, hiện đạt gần 90% dân số. Riêng giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019 đã có thêm khoảng 15 triệu người tham gia BHYT; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng từ 8,38 triệu năm 2015 ước đạt trên 17 triệu trong năm 2019. Quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người dân được đảm bảo; số lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng lên gần gấp đôi; từ 92,1 triệu lượt năm 2009, tăng lên và đạt gần 180 triệu lượt trong năm 2019.

5. BHXH Việt Nam khẳng định vị thế sau ¼ thế kỷ góp phần xây dựng sự nghiệp An sinh xã hội

Với 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, có những đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Điều này được thể hiện qua diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng. Năm 1995, toàn quốc chỉ có 2,2 triệu người tham gia thì đến năm 2019, con số này là 15,7 triệu người (tăng 7,1 lần). Năm 2019, số người và tỷ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, vượt các chỉ tiêu được giao với trên 85,9 triệu người tham gia, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 89,3% dân số, tăng 69,5 triệu người so với năm 2003 (năm chức năng thực hiện chính sách BHYT chuyển sang BHXH Việt Nam).

Cùng với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng liên tục tăng theo thời gian, năm 2018 tổng số thu toàn Ngành đạt 332.006 tỷ đồng, tăng 425,7 lần so với năm 1995. Trong 25 năm hoạt động, ngành BHXH đã giải quyết trên 112.5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Giai đoạn năm 2003 - 2018, ngành BHXH, ngành Y tế đã phối hợp đảm bảo quyền lợi trên 1.628 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm có trên 101,7 triệu lượt người thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

6. Hoàn thành trước mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao.

Cụ thể, tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 (là thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng (đạt 84,86%), miền núi phía Bắc (đạt 28,6%) đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao; có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ).

7. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 3,73% - 4,23% (năm 1993, tỷ lệ này là hơn 58%); tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam theo chuẩn đa chiều giảm 1% - 1,5%). Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và coi Việt Nam là một điển hình trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên toàn cầu.

Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành song song 2 chương trình mục tiêu quan trọng: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả giảm nghèo đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bình quân mỗi năm có khoảng trên 300.000 hộ nghèo thoát nghèo. Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các ban, bộ ngành đã nỗ lực xây dựng nhiều chương trình huy động sức mạnh của toàn xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Kết quả, 10 năm qua đã huy động được hơn 50.000 tỷ đồng từ cộng đồng xã hội cho chương trình giảm nghèo bền vững.

8. Tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người

Trong năm 2019, cả nước tạo việc làm cho 1 triệu 635 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,12%.

So với cùng kỳ năm trước, số người có việc làm tăng lên, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh; tỉ lệ thiếu việc làm giảm dần. Các tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm vẫn tiếp tục phát huy lợi thế, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tạo được nhiều việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, trong 4 năm qua, Việt Nam đã đưa trên 550.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt 10% và “về đích” trước một năm so với kế hoạch 5 năm về xuất khẩu lao động.

9. Thông qua Nghị quyết tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 18/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện ĐBKK với 89,44% đại biểu tán thành.

Theo đó, Đề án thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn ĐBKK trong vùng đồng bào DTTS&MN với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc...

Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn ĐBKK; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến 2030 có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

10. Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH theo Quyết định số 1676-QĐ/TTg ngày 21/11/2019. Đề án quán triệt rõ quan điểm: Công tác tuyên truyền phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH. Hoạt động tuyên truyền phải lấy đối tượng được tuyên truyền làm trung tâm, chú trọng đối tượng là cán bộ, đảng viên; trong nhóm đối tượng được tuyên truyền là nhân dân chú trọng lao động là nông dân, khu vực phi chính thức. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tăng cường sử dụng công cụ truyền thông đa phương tiện, áp dụng công nghệ cao, mạng xã hội vào công tác tuyên truyền BHXH. Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức từ đó tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, hướng đến BHXH toàn dân./.