BHXH các địa phương: Quyết liệt thực hiện các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ 4 tháng cuối năm

26/09/2021 04:59 PM


Bước đầu ổn định sau đại dịch Covid-19, BHXH các địa phương đã nhanh chóng tổ chức hoạt động, nhằm vận hành bộ máy hiệu quả nhất, phấn đấu vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao trong 4 tháng cuối năm.

Tại BHXH TP.HCM:

Giám đốc BHXH TP.HCM Phan Văn Mến-  cho biết, BHXH Thành phố vừa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu thu, phát triển số người tham gia BHXH, BHYT; đồng thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT 4 tháng cuối năm 2021.

Theo ông Phan Văn Mến, trong điều kiện hết sức khó khăn hiện nay, BHXH Thành phố đã xây dựng các giải pháp thu, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT 4 tháng cuối năm rất chi tiết, cụ thể. Bên cạnh đó, đội ngũ CBVC trong toàn đơn vị cũng quyết liệt, nỗ lực hết sức nhằm thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, BHXH Thành phố đã yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của từng CBVC, đặc biệt là người đứng đầu các phòng chức năng và BHXH các quận, huyện, TP.Thủ Đức trong xây dựng và triển khai thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Việc triển khai, tổ chức thực hiện phải đảm bảo hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, theo ông Mến, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các địa phương, đơn vị hoạt động trong trạng thái bình thường mới, BHXH TP.HCM có phương án như sau:

Trong phát triển người tham gia BHXH, cơ quan BHXH rà soát, điều tra dữ liệu NLĐ quyết toán thuế thu nhập cá nhân do cơ quan Thuế cung cấp, đảm bảo phấn đấu hoàn thành số lượng điều tra, rà soát. Kết xuất dữ liệu trên phần mềm quản lý thu-sổ thẻ, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH cho NLĐ. Lập danh sách đơn vị không có tại địa chỉ kinh doanh, đơn vị không đóng đầy đủ BHXH cho NLĐ qua kết quả điều tra, rà soát gửi cơ quan Thuế xử lý.

Đối với đơn vị đang tham gia BHXH mà để nợ đọng, kết xuất dữ liệu trên phần mềm quản lý thu-sổ thẻ, phân loại đơn vị nợ BHXH, BHYT theo thời gian nợ. Thực hiện liên hệ qua điện thoại, Zalo, email, gửi thông báo, tài liệu tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của đơn vị trong việc đóng BHXH, các quy định liên quan đến việc phạt nộp chậm, xử lý đối với đơn vị nợ BHXH... Cán bộ BHXH làm việc trực tiếp với đơn vị để đôn đốc đóng tiền kịp thời. Với đơn vị nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, lập biên bản làm việc và yêu cầu đơn vị nộp tiền đóng BHXH, BHYT kịp thời cho NLĐ.

Với đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên hoặc có vi phạm khác, cơ quan BHXH gửi văn bản đôn đốc; trường hợp không khắc phục thì tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đột xuất. Căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh của địa phương và của đơn vị (vùng xanh), có thể tiến hành làm việc trực tiếp hoặc mời lên trụ sở cơ quan BHXH để lập biên bản. Đề xuất UBND Thành phố và UBND các quận, huyện thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ lớn, kéo dài. Thực hiện xử phạt hành chính theo từng hành vi vi phạm; lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015…

Trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc để phòng chống dịch Covid-19 thực hiện như sau:

Trong phát triển người tham gia BHXH, cơ quan BHXH gửi văn bản cho đơn vị chưa thực hiện việc đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ. Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng linh hoạt, phù hợp điều kiện phòng chống dịch bệnh đối với đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ bằng phương pháp kết hợp giữa thanh tra trực tiếp hoặc thanh tra điện tử hoặc kết hợp cả trực tiếp và điện tử.

Đối với đơn vị đang tham gia BHXH mà để nợ, liên hệ qua điện thoại, Zalo, email, gửi thông báo, tài liệu tuyên truyền. Với đơn vị nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, lập biên bản làm việc; với đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, thực hiện gửi văn bản đến đơn vị và yêu cầu đóng BHXH cho NLĐ.

Trường hợp đơn vị cố tình không nộp BHXH theo quy định, BHXH Thành phố linh hoạt triển khai việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng đối với đơn vị nợ đóng bằng phương pháp kết hợp giữa thanh tra trực tiếp và điện tử theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Thực hiện xử phạt hành chính theo từng hành vi vi phạm; lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong công tác thu và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương, đơn vị hoạt động trong trạng thái bình thường mới, thì thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các đại lý thu và người tham gia tuân thủ quy định về việc đóng BHXH, BHYT.

Về phát triển người tham gia, hằng tuần, cơ quan BHXH và đại lý thu xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhằm duy trì, phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng trên cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT tiềm năng. Hằng ngày, cán bộ BHXH và nhân viên đại lý thu gặp gỡ từng người hoặc từng nhóm người tiềm năng chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH, BHYT… Đồng thời, tổ chức các hội nghị khách hàng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng. Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT thông qua việc gửi các bản tin, thông điệp truyền thông qua điện thoại, Zalo, Facebook, qua hệ thống loa truyền thanh. Dự kiến tổ chức Lễ ra quân phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT HSSV trong tháng 10/2021…

Trường hợp dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hướng dẫn các đại lý thu, người tham gia đóng tiền trên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC của ngành BHXH Việt Nam. Hằng tháng, BHXH Thành phố và BHXH các quận, huyện, TP.Thủ Đức gửi danh sách người tiềm năng chưa tham gia, người đang tham gia đến hạn đóng bằng hình thức trực tuyến qua mail, Zalo, Facebock… hoặc qua dịch vụ công ích đến từng đại lý thu. Cơ quan BHXH và đại lý thu xây dựng kế hoạch hằng tuần tổ chức tuyên truyền, vận động để duy trì và phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hình thức trực tuyến; đặc biệt là tổ chức các hội nghị trực tuyến, livestream trên mạng xã hội, trên fanpage…

Tại BHXH tỉnh Thái Nguyên:

Thực hiện Kế hoạch số 2800/KH-BHXH của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Thái Nguyên đang đồng loạt triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong các tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Ngọc Dương- Trưởng phòng Quản lý Thu (BHXH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, tính đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh có1.181.274 người tham gia BHXH, BHYT, đạt 93,02% kế hoạch được giao và tăng 13.975 người so với tháng 7.

Trong đó, về BHXH bắt buộc có 212.456 người tham gia, đạt 91,65% kế hoạch và tăng 483 người so với tháng 7; về BHXH tự nguyện có 21.531 người tham gia, đạt 82,35% kế hoạch và tăng 154 người so với tháng 7; về BHYT có 1.159.743 người tham gia, đạt 93,24% kế hoạch và tăng 13.025 người so với tháng 7.

Số thu BHXH, BHYT lũy kế đến ngày 31/8/2021 là 3.616.449 triệu đồng, đạt 59,38% kế hoạch và tăng 77 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ giảm còn 3,02% so với số phải thu, giảm 43 tỷ đồng (0,81%) so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, BHXH tỉnh Thái Nguyên là một số những đơn vị đang duy trì được đà tăng trưởng đều ở các chỉ tiêu, bao gồm cả BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT. Dù vậy, theo ông Dương, hiện còn nhiều khó khăn trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 kéo dài, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải ngừng hoạt động, cho NLĐ nghỉ việc, dẫn đến ngừng tham gia BHXH cho NLĐ.

Theo chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch số 2800/KH-BHXH, trong 4 tháng cuối năm nay, BHXH tỉnh Thái Nguyên phải thu đạt trên 2.474 tỷ đồng. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch Covid-19 như hiện nay. Do đó, đòi hỏi BHXH tỉnh Thái Nguyên phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan như: Sở KH-ĐT, Sở LĐ-TB&XH và Cục Thuế, trong đó chú trọng rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để có căn cứ khai thác đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.

Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường phối hợp với Bưu điện và các đại lý thu đôn đốc, vận động người dân tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (ưu tiên khai thác nhóm NLĐ bị mất việc làm trong các DN, NLĐ có thu nhập không ổn định, cán bộ không chuyên trách xã, phường, tổ dân phố...). Tăng cường thanh tra đối với những DN nợ từ 3 tháng trở lên, DN chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho NLĐ.

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện, thành phố, thị xã chủ động tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, trong đó có các đại lý thu phối hợp với cơ quan BHXH tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn để trực tiếp vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Mới đây, BHXH tỉnh Thái Nguyên cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 13 thành viên, bao gồm cả lãnh đạo Bưu điện (cấp tỉnh, cấp huyện) tạo nguồn lực tăng cường công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong thời gian tới.

Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể hằng tuần, hằng tháng phù hợp với tình hình thực tế nhằm duy trì, phát triển mới người tham gia, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo chỉ tiêu được giao.

Tại BHXH TP.Hà Nội:

BHXH TP.Hà Nội vừa ban Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố về thực hiện các chỉ tiêu về số người tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, BHXH Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 95% dân số; tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt 50% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc đạt 47% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ lao động tham gia BH thất nghiệp đạt 40% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Để đạt được những mục tiêu này, BHXH Thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook cá nhân... để tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT; quyền lợi, nghĩa vụ và cách thức tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, yêu cầu mỗi CBVC và NLĐ của BHXH Thành phố là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT.

Khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát triệt để, BHXH TP.Hà Nội yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã phải đổi mới, sáng tạo, linh hoạt nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền sao cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm nông dân, lao động làm việc tại khu vực phi chính thức (các làng nghề, tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, người buôn bán nhỏ lẻ...), nhưng đồng thời phải phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh. Cần chú trọng, phát huy vai trò, uy tín của những tổ chức, cá nhân trong cộng đồng dân cư để lan tỏa chính sách, thuyết phục, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Cơ quan BHXH cần phối hợp chặt chẽ với các đại lý thu trên địa bàn để bám sát cơ sở, nắm bắt từng hộ gia đình “đi từng ngõ, vào từng nhà, rà từng trường hợp” để tuyên truyền sự cần thiết và lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT. Từ đó, tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Để phát triển BHXH tự nguyện, BHXH các quận, huyện, thị xã cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thay đổi về chính sách BHXH đến người SDLĐ và NLĐ trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp như: Xây dựng cụm pano, áp phích, phát hành tờ rơi; tuyên truyền trên báo chí, hệ thống thông tin cơ sở (đài truyền thanh, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở, bảng tin công cộng); tuyên truyền trên mạng xã hội, các nền tảng công nghệ số, phát huy hiệu quả các sản phẩm truyền thông, video, clip...; tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại với người SDLĐ và NLĐ đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Ngoài ra, BHXH Thành phố sẽ xác định, phân loại đối tượng tiềm năng tham gia BHXH, BHYT; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động của đại lý thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị trốn đóng BHXH; phối hợp với các sở, ngành xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHXH, BHYT.

BHXH TP.Hà Nội luôn xác định: Cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ là phương cách tốt nhất gỡ bỏ rào cản người dân tiếp cận chính sách. Vì vậy, BHXH Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong các dịch vụ và hoạt động nghiệp vụ; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; triển khai cài đặt ứng dụng VssID cho 100% người tham gia BHXH, BHYT; đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.