Báo chí là cầu nối quan trọng giữa người dân và chính sách BHXH, BHYT, BHTN

18/06/2021 03:41 PM


“Sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đi vào cuộc sống, giúp hàng triệu người dân, người lao động được bảo đảm về an sinh xã hội, đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay”. Đây là nhận định của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trong cuộc trao đổi dành cho Cổng TTĐT BHXH Việt Nam nhân Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021).

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

PV: Với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã và đang gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, Ngành BHXH Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào trong thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thưa Tổng Giám đốc?

- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế - xã hội tất cả các quốc gia trong 2 năm qua và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực; trong đó có việc thực hiện an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy, trong tình hình dịch bệnh, chính sách BHXH, BHYT, BHTN càng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc trợ giúp, hỗ trợ người tham gia vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Và để ngày càng nhiều người dân, người lao động được thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, ngành BHXH Việt Nam đã đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”. Trong đó, Ngành đã đặc biệt coi trọng đổi mới công tác truyền thông, vận động người tham gia BHXH, BHYT theo hướng linh hoạt, đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và thị hiếu của người dân, người lao động.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, BHXH Việt Nam đã kiến nghị, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp như: Giãn, hoãn đóng của doanh nghiệp vào quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ; thanh toán chi phí BHYT với trường hợp nhiễm bệnh, cách ly, xét nghiệm; chuẩn bị kinh phí, thuốc BHYT cho các cơ sở y tế; hỗ trợ người dân khai báo y tế điện tử; cắt giảm thủ tục hành chính; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; ra mắt ứng dụng "VssID-Bảo hiểm xã hội số" trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT…

Ngành BHXH Việt Nam chung tay phòng chống dịch Covid-19

Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cũng đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành quyên góp, ủng hộ kinh phí để trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chỉ tính riêng trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã huy động được gần 11,6 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ tự nguyện của tập thể công chức, viên chức trong toàn Ngành và nguồn ủng hộ của các nhà tài trợ để kịp thời trao tặng gần 74.000 thẻ BHYT và 1.500 sổ BHXH cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành phố. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành cũng đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 với số tiền hàng tỷ đồng…

Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã chủ động triển khai các chiến dịch truyền thông online, điển hình là chiến dịch truyền thông Xúc cảm về các chế độ BHXH bắt buộc; tổ chức các lễ ra quân tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên toàn quốc;… Các hoạt động này đã góp phần rất hiệu quả vào việc truyền cảm hứng, định hướng cho người dân hiểu và biết về lợi ích để không chỉ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho mình mà còn cho cả người thân, bạn bè; đồng thời củng cố sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của ngành BHXH Việt Nam trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tới toàn xã hội.

Bên cạnh đó, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của Ngành, chuyên mục Hỏi - đáp trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam và các chuyên mục giải đáp thắc mắc về BHXH, BHYT đăng tải/phát sóng trên báo chí đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc tư vấn, giải đáp thông tin tới đông đảo Nhân dân một cách cụ thể, có tính chính thống nhất. Đặc biệt, trong truyền thông về ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam không chỉ truyền thông cho người dân biết về ứng dụng, mà còn tổ chức những buổi hướng dẫn cài đặt trực tiếp để hỗ trợ, cùng làm với người dân, người lao động, tạo được những hiệu quả rất tích cực.

Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, với phương thức quản lý hiện đại, linh hoạt, sáng tạo, nhất là trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, bão lũ tại Miền Trung. Đặc biệt, chính sách BHTN đã giúp hàng trăm nghìn người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động. Năm 2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2019…

Về công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN việc tổ chức các hội nghị truyền thông chính sách tại khu dân cư - một hình thức rất hiệu quả thời gian qua - đang bị hạn chế do tình hình dịch bệnh. Do đó, BHXH Việt Nam đã chủ động có sự thay đổi phương pháp, đẩy mạnh việc truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội như Facebook, Youtube… để lan tỏa chính sách BHXH, BHYT, BHTN tới mọi người dân và người lao động.

Tại địa phương, các hình thức tuyên truyền được sử dụng nhiều là tuyên truyền theo nhóm nhỏ đến các cụm dân cư, hộ gia đình, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các cơ quan truyền thông, báo chí địa phương, trang tin điện tử của đơn vị; chỉ đạo cán bộ BHXH, nhân viên Đại lý thu BHXH, BHYT tích cực áp dụng hình thức tư vấn, đối thoại qua mạng xã hội (Facebook, Zalo,…), điện thoại; tăng cường truyền thông các sản phẩm truyền thông online như Infographic, Motion graphic, Viral clip, Video clip về BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường Internet…

Ngành BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; phục vụ tốt người tham gia trong dịch bệnh

Những giải pháp, thay đổi đó đã mang lại những kết quả tích cực, hết năm 2020, diện bao phủ BHXH tiếp tục được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,1 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2019. Số người tham gia BHYT được duy trì và tăng với 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đặc biệt, so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%…

Trong 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù đợt dịch Covid-19 lần thứ 3 và 4 có diễn biến phức tạp, nhưng vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN vẫn có chuyển biến tích cực, cơ bản tăng so với cùng kỳ năm 2020.

PV: Có thể nói, vượt qua nhiều khó khăn, ngành BHXH Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đóng góp vào kết quả này, Tổng Giám đốc nhấn mạnh tới vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí. Điều này được thể hiện qua những con số, kết quả như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?

- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác thông tin, truyền thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; đồng thời, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực hợp lý để thực hiện tốt công tác này. Đặc biệt trong đó, công tác phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN với các cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả tốt.

Sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đi vào cuộc sống, giúp hàng triệu người dân, người lao động được bảo đảm về an sinh xã hội, đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay.

Như chúng ta đã biết, nhận thức là một quá trình, nhất là đối với những chính sách an sinh xã hội thường phải mất một thời gian để người dân hiểu, cảm nhận được đầy đủ những lợi ích thiết thực của chính sách đem lại. Trên thực tế, nhiều người dân chỉ hiểu đầy đủ lợi ích và tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội khi thụ hưởng chính sách, khi không may ốm đau hay khi mất khả năng lao động. Vì vậy, để “rút ngắn” quá trình này, thay đổi nhận thức của người dân thì thông tin mang tính thường xuyên, liên tục, đổi mới, sáng tạo đóng vai trò quan trọng, tiên quyết.

Thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN vào cuộc sống; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Đa dạng hình thức thông tin, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí

Các tin, bài viết, phóng sự, chuyên mục, chuyên trang, chương trình,… thông tin, truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm, tăng cường cả về thời lượng, nội dung và hình thức. Qua đó, tạo nên “bức tranh” truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN nhiều mầu sắc, hấp dẫn, có điểm nhấn thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Những thông tin về lợi ích, sự ưu việt, thay đổi trong chính sách BHXH, BHYT, BHTN; giải pháp, cải cách, hỗ trợ của ngành BHXH Việt Nam được đăng tải, cập nhật kịp thời giúp người dân, người lao động, người sử dụng lao động chuyển biến trong nhận thức, tạo được niềm tin, sự đồng thuận, tích cực tham gia, thụ hưởng các chính sách.

Bên cạnh đó, báo chí cũng trở thành “kênh” thông tin quan trọng trong việc phát hiện, cảnh tỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN và phòng chống tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, lượng tin, bài, phóng sự, chương trình,… được đăng tải/phát sóng về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN tăng đều qua các năm. Tính riêng trong năm 2020, đã có gần 16.000 tin, bài, phóng sự, toạ đàm, chuyên trang, chuyên mục, chương trình... phản ánh về việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các hoạt động của ngành BHXH Việt Nam được đăng tải/phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tăng gần 3.000 tin, bài (23%) so với năm 2019.

Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, vai trò “cầu nối” của báo chí trong công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT, BHTN đến với người dân lại càng được tăng cường, nổi bật. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021 có gần 10.000 tin, bài, phóng sự (bình quân mỗi ngày có khoảng 55 tin, bài) về lĩnh vực BHXH, BHYT được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải/ phát sóng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020. Những con số đó cho thấy sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước nói chung và với hoạt động của ngành BHXH Việt Nam nói riêng đang ngày một sâu sắc và lớn mạnh.

PV: Để duy trì những kết quả đã đạt được và nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông về BHXH, BHYT trên các phương tiện truyền thông đại chúng, theo Tổng Giám đốc, thời gian tới BHXH Việt Nam cần tiếp tục triển khai, thực hiện những giải pháp gì?

- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 15/5/2021 chỉ đạo về công tác tuyên truyền, định hướng truyền thông đến các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. BHXH Việt Nam coi đây là “kim chỉ nam” cho công tác này của Ngành thời gian tới. Trong đó, BHXH Việt Nam xác định: tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong thực hiện của toàn xã hội, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần của Chỉ thị.

Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới công tác thông tin, truyền thông của Ngành theo hướng toàn diện cả về nội dung và hình thức theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW và theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với 3 mục tiêu là: Truyền thông lan toả, truyền cảm hứng; Truyền thông giải thích, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Truyền thông qua sự chia sẻ, hành động, tạo sự đồng thuận.

Ra quân truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN

Để làm được điều đó, một trong những giải pháp của BHXH Việt Nam là củng cố công tác truyền thông nội bộ của Ngành và tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp thông tin, truyền thông chính sách với các cơ quan thông tấn, báo chí. Những năm qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, duy trì, thực hiện tốt các Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất đến nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Trong tình hình dịch bệnh, BHXH Việt Nam sẽ đa dạng, linh hoạt các hình thức thông tin cho phù hợp.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, hoạt động của Ngành bằng văn bản đến các cơ quan báo chí hoặc qua thư điện tử (email), mạng xã hội và các phương thức khác; cũng như đến đội ngũ lãnh đạo, cán bộ truyền thông của BHXH các tỉnh, thành phố để phối hợp với các cơ quan báo chí ở địa phương trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN. 

Để góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, thông tin truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam sẽ cùng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tham gia vào hoạt động của Ngành, đặc biệt là các chuyên đề hoạt động quan trọng để hiểu hơn, sát hơn, có nhiều thông tin hơn cho các tác phẩm báo chí.

Truyền thông chính sách BHXH, BHYT đến từng người dân

Một lần nữa, nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam, tôi xin ghi nhận và trân trọng cảm ơn những đóng góp thiết thực của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương cho sự phát triển chung của ngành BHXH Việt Nam thời gian qua.

Trên tinh thần hợp tác tốt đẹp đã có, ngành BHXH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan thông tấn, báo chí và luôn trân trọng, cầu thị lắng nghe, tiếp thu những đóng góp, chia sẻ của các nhà báo và Nhân dân với mục tiêu xây dựng Ngành theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của Nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!

Phạm Chính (thực hiện)