Đại thắng mùa Xuân năm 1975: “Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử trong thực hiện chính sách an sinh xã hội”

29/04/2021 06:03 PM


Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích lịch sử, đó là: Sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam; Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây là những sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử, những chiến thắng vĩ đại, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người. Trong đó, ngày 30/4 – Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thực sự là là dấu son rực rỡ kết thúc 21 năm đằng đẵng Bắc-Nam chia cắt, non sông từ đây liền một dải, sạch bóng quân thù.

Thời khắc lịch sử

Đã 46 năm trôi qua từ khoảnh khắc chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên húc đổ cánh cổng chính, tiến trước vào Dinh Độc Lập; đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời Sài Gòn, ghi dấu mốc quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Có thể khẳng định rằng, thắng lợi vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta. Giá trị lịch sử to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sẽ mãi là di sản tinh thần to lớn, nguồn động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị phát huy nội lực, tự lực, tự cường thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Trong đó, phấn đấu tăng trưởng kinh tế, giữ vững chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội phát triển, đất nước ngày càng phồn thịnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

Hình minh hoạ

Kế thừa, phát huy giá trị lịch sử

Ở nước ta BHXH đã hình thành từ rất sớm, song hành, đảm bảo an sinh xã hội và phục vụ đắc lực yêu cầu của các cuộc kháng chiến vĩ đại, giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã ghi nhận những điều khoản quan trọng về an sinh xã hội tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành hệ thống quy phạm và chính sách về an sinh xã hội. Điều thứ 13 ghi nhận: “Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm”; Điều thứ 14: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật, không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Có thể nói, lần đầu tiên những vấn đề an sinh xã hội được văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp ghi nhận, lần đầu tiên công dân Việt Nam được ghi nhận những quyền rất quan trọng thuộc lĩnh vực an sinh xã hội.

Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương xây dựng và thực hiện chính sách xã hội nói chung và chính sách an sinh xã hội nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội thể hiện bản chất và sự tiến bộ của xã hội. Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định sự cần thiết xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội trong tiến trình phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.  Thể hiện quan điểm nhất quán đó, Hiến pháp năm 2013 đã quy định những quy phạm về an sinh xã hội: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34); “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi ở; Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi…” (Điều 35). 

Trên cơ sở những quy định mang tính hiến định, nguyên tắc của Hiến pháp Việt Nam năm 2013, các đạo luật về lao động, việc làm, an sinh xã hội đã thể hiện được tinh thần của Hiến pháp và hình thành hệ thống pháp luật về an sinh xã hội tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc hiện thực hóa các quan điểm của Đảng về an sinh xã hội, để các chính sách an sinh xã hội thực sự phát huy vai trò trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, thể hiện bản chất dân chủ của chế độ XHCN ở nước ta.

Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế và chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, sự thay đổi mới về cơ chế kinh tế đòi hỏi có những thay đổi tương ứng về chính sách xã hội nói chung và chính sách BHXH nói riêng. Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ: “Nhà nước thực hiện chế độ BHXH đối với công chức nhà nước và người làm công ăn lương, khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”. Trong văn kiện Đại hội VII của Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã chỉ rõ, cần đổi mới chính sách BHXH theo hướng mọi người lao động và các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ đóng góp BHXH, thống nhất tách quỹ BHXH ra khỏi ngân sách. Tiếp đến Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII cũng đã nêu: “Mở rộng chế độ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế”. Các Đại hội tiếp theo của Đảng cũng đều đề cập đến vấn đề BHXH và đã đưa các nội dung về an sinh xã hội vào trong các nghị quyết của Đảng.

Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, đồng thời xác định những định những định hướng mới mang tầm chiến lược: “BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội…”. Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu: “Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế…”. Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống BHXH, BHYT nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng.

 

Tuyên truyền chính sách BHXH tới đồng bào dân tộc 

Ngành BHXH Việt Nam được chính thức thành lập từ năm 1995, đến nay đã tròn 26 năm, vinh dự được Đảng và Nhà nước giao trọng trách tổ chức thực hiện những chính sách trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Qua 26 năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức toàn ngành BHXH Việt Nam qua nhiều thế hệ, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cụ thể, năm 2020, trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trên toàn thế giới; tình hình thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung…, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân. Cùng với các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước BHXH Việt Nam luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương; thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời ứng phó, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân trước những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, do thiên tai, bão lũ gây ra; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; từng bước thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường giải pháp để kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT; kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH các cấp; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành; mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý BHXH, BHYT…

Đến nay, Số người tham gia BHXH ước đạt 16,164 triệu người, chiếm khoảng 32,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 390 nghìn người (2,47%) so với năm 2019; so với năm 2015 (có 12,318 triệu người tham gia), tăng hơn  3,85 triệu người (31,2%). Số người tham gia BHYT ước đạt 87,978 triệu người, tăng 2,032 triệu người (2,37%) so với năm 2019; đạt tỷ lệ khoảng 90,85% dân số tham gia BHYT, vượt 0,15% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và Nghị quyết 01/NQ-CP; So với năm 2015 (có 70 triệu người tham gia) là tăng hơn  17,98 triệu người (25,68%). Số người tham gia BHTN ước đạt 13,324 triệu người; đạt tỷ lệ khoảng 27% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; so với năm 2015 (có 10,3 triệu người) là tăng gần 03 triệu người (29,3%). Năm 2020 đã giải quyết trên 133.867 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng (đưa tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người); trên 876.702 người hưởng trợ cấp 1 lần; trên 9,69 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Triển khai 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Tiếp tục phát huy giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thời gian tới, toàn Ngành BHXH Việt Nam xác định triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:

Một là, tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, đề án, nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH (Phấn đấu năm 2021, số người tham gia BHXH là 17,54 triệu người, chiếm khoảng 35,2% so LLLĐ trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia BHTN là 14,20 triệu người, chiếm khoảng 28,5% so với LLLĐ trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia BHYT là 89,38 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 91,56% dân số tham gia BHYT).

Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Kịp thời ban hành các kế hoạch để triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2021 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền (tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình), tuyên truyền, quảng bá về mẫu thẻ BHYT mới, ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số…

Bốn là, kịp thời giao kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2021 ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; triển khai kịp thời các Nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN có hiệu lực thực hiện từ 01/01/2021; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT.

Hình minh hoạ

Năm là, quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB, đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2021.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịnh vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.

Bảy là, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ); cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành; hoàn thiện các quy tắc quản lý, khai thác, phân cấp sử dụng các phần mềm nghiệp vụ của Ngành.

Tám là, tiếp tục hoàn thiện các văn bản, quy định, hướng dẫn để triển khai trong toàn Ngành Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị định số 89/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Chín là, thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân, với phương châm hành động của Ngành BHXH Việt Nam trong năm 2021: "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả".

PV