BHXH Việt Nam: Tích cực, trách nhiệm trong xây dựng, vận hành Cổng DVC Quốc gia

31/12/2020 03:01 PM


Chiều 30/12/2020, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm vận hành Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc có đặc thù riêng về cung cấp dịch vụ công), BHXH Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng đã kết nối, tích hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bưu điện Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhà cung cấp định danh để đa dạng hóa hình thức đăng ký tài khoản đảm bảo thuận lợi, an toàn, an ninh thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 24 tháng 12 năm 2020, đã có 412 nghìn tài khoản đăng ký, trong đó công dân 409 nghìn, doanh nghiệp hơn 6 nghìn và hơn tám trăm tài khoản của các cơ quan nhà nước. So với tháng 3 năm 2020, số lượng tài khoản đăng ký tăng gấp 5,8 lần.

Từ 8 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp tại thời điểm khai trương (ngày 09 tháng 12 năm 2019), đến nay, số thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 2.700, đạt 39% so với tổng số thủ tục hành chính của cả nước. Trong đó, thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, các dịch vụ công thiết yếu, có số lượng đối tượng tuân thủ lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá chỉ số môi trường kinh doanh đã được các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai theo hướng đổi mới cách thức xây dựng dịch vụ công trực tuyến theo mô hình thống nhất, tập trung, có sự liên thông chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan, đơn vị để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, giảm chồng chéo, lãng phí trong đầu tư của địa phương như: đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; liên thông kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe ô tô,… Đồng thời, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ kịp thời tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Như vậy, đến nay, số dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia vượt 9% so với chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020, tăng gấp 14,8 lần so với tháng 3/2020, trong đó có nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt như: Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Y tế; Bộ Công an; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tây Ninh; Quảng Ninh; TP. Đà Nẵng; Đồng Nai; Nam Định; Bà Rịa - Vũng Tàu; TP. Cần Thơ; Thanh Hóa; Quảng Nam; Lạng Sơn; Kon Tum; Thái Bình; Hòa Bình; Lai Châu; Tuyên Quang; Cà Mau; TP Hà Nội; Hà Giang; Bình Định; Điện Biên,…

Thực hiện Nghị định số 11/2020/NĐ-CP, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 03/2020. Sau hơn 9 tháng triển khai, hiện nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có 54/63 địa phương (85,6%), 14 bộ, ngành, cơ quan (67,7%) hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia và đang tiếp tục triển khai với các bộ, ngành, địa phương khác.

Hiện nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp các nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến gồm: (1) Phí, lệ phí dịch vụ hành chính công; (2) Thuế cá nhân, doanh nghiệp; (3) Đóng BHXH, BHYT cho người dân và tổ chức sử dụng lao động; (4) Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; (5) Thanh toán tiền điện; (6) Thanh toán tạm ứng án phí. Mặc dù mới triển khai theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ nhưng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, cơ quan địa phương (như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Bộ Công an; Bộ Tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Lâm Đồng; Vietcombank; Viettinbank; BIDV; VNPTpay; Ngân lượng; MOMO; NAPAS,…), số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia có sự tăng trưởng cao, đến nay đã có trên 45,7 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó nhiều dịch vụ mới triển khai nhưng đã nhận được sự tin tưởng, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân như: Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyên, bảo hiểm y tế cho hộ gia đình, cá nhân đã có hơn 20 nghìn giao dịch; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hơn 6 nghìn giao dịch; thanh toán phí, lệ phí dịch vụ hành chính công có hơn 12 nghìn giao dịch,…

Các cá nhân, tập thể của các Bộ, Ngành, địa phương vinh dự được Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả rất đáng phấn khởi của Cổng Dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành, với sự giúp đỡ các tổ chức quốc tế, sự tham gia, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, người dân… Đồng thời nhìn lại 1 năm, nhìn lại những việc đã làm, để xác định quyết tâm mạnh mẽ hơn, đẩy nhanh tiến độ nhằm phục vụ người dân tốt hơn trong thời gian tới.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã vượt hầu hết các chỉ tiêu, kỳ vọng ban đầu về số lượng dịch vụ, hồ sơ. Những con số tiết kiệm về thời gian, chi phí đã nói lên sự thiết thực của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đặc biệt, ngoài chức năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ còn được giao nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn cho nhân dân để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công; tiếp thu và phản hồi các ý kiến của người dân.

Theo Phó Thủ tướng, trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa bộ máy hành chính, đòi hỏi sự thay đổi tư duy, cọ xát rất khó khăn. Chính phủ xác định những gì cần đột phá thì cấp cao nhất gương mẫu làm trước. Vì vậy, từ mấy năm trở lại đây, ngoài chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ thì Văn phòng Chính phủ luôn là cơ quan được giao đi đầu trong việc thực hiện xử lý hồ sơ trên mạng, tổ chức cung cấp cung cấp, tích hợp dịch vụ công trực tuyến các cấp.

Một số quốc gia đã làm rất tốt việc xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, và qua tham khảo kinh nghiệm, sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, bằng phương thức thuê dịch vụ, Văn phòng Chính phủ đã triển khai xây dựng rất nhanh Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Mục đích xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia không chỉ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mà Chính phủ còn thực hiện công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động trước nhân dân, qua đó tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để xây dựng một Chính phủ phục vụ.

Phó Thủ tướng cho rằng nếu thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tốt, tránh tiếp xúc trực tiếp sẽ tạo ra cơ hội mọi doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng các dịch vụ một cách bình đẳng, hạn chế phát sinh tiêu cực.

Đây cũng là chỉ số rất quan trọng để cộng đồng quốc tế đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cũng như xếp hạng Chính phủ điện tử.

Những năm vừa qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với sự đóng góp của Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã được thúc đẩy mạnh mẽ.

Từ câu chuyện Bộ Y tế, Bộ TT&TT, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Phó Thủ tướng mong muốn Cổng Dịch vụ công quốc gia phải đặt mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên, ít nhất ở cấp bộ, cấp tỉnh, trong thời gian ngắn nhất.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo xung lực lan tỏa để các cấp, các ngành thúc đẩy tin học hóa, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính, có truy vết, trách nhiệm xử lý rõ ràng không lo mất, thất lạc, sai sót hồ sơ. Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia, hình thành thói quen của cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng cơ sở dữ liệu nhánh của các bộ ngành, địa phương, đơn vị mình.

Phó Thủ tướng nêu rõ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn các nền tảng, công cụ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân với nhà nước, giữa người dân với nhau, mà còn là công cụ hữu hiệu để phòng chống tham nhũng.

Để phát triển CNTT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… rất cần dữ liệu mở, trực tiếp, gián tiếp liên quan, vì vậy Phó Thủ tướng lưu ý phải đảm bảo tính an toàn, riêng tư của người dân, sử dụng dữ liệu không được ảnh hưởng đến quyền cá nhân.

“Chúng ta nói rất nhiều về những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với rất nhiều định hướng, giải pháp, nhưng chắc chắn chúng ta phải ứng dụng CNTT mạnh mẽ, triệt để trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Chúng ta phải phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, và chắc chắn Chính phủ phải tiên phong đi trước”, Phó Thủ tướng nói.

Tại Hội nghị, BHXH Việt Nam và cá nhân ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cùng các tập thể, cá nhân của các Bộ, Ngành, địa phương đã vinh dự được Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có nhiều thành tích trong xây dựng, vận hành và phát triển Cổng DVC Quốc gia./.

Đăng Kiên