Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Đầu tư ứng dụng CNTT là bước đi đúng, hiệu quả

09/01/2018 02:04 PM


Thực hiện Kế hoạch 5614/KH-BHXH của BHXH Việt Nam về việc khảo sát đánh giá mức chi hoạt động BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2018, đề xuất mức chi hoạt động BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021, Ngày 08/01/2018, Đoàn Khảo sát đã có buổi làm việc tại Trung tâm Công nghệ Thông tin (BHXH Việt Nam) và BHXH thành phố Hà Nội.

Đoàn Khảo sát làm việc tại BHXH thành phố Hà Nội.

Tham gia đoàn khảo sát có Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, đại diện Uỷ ban các vấn đề xã hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, BHXH TP. Hà Nội...

Kết quả ứng dụng CNTT giai đoạn 2016- 2018 của BHXH Việt Nam cho thấy, từ năm 2016, ngành BHXH đã hoàn thành việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống tiếp nhận hồ sơ của bộ phận “Một cửa” với các hệ thống phần mềm nghiệp vụ ngành thông qua trục tích hợp dữ liệu ngành BHXH (SOA). Cũng trong giai đoạn 2016- 2017, ngành BHXH đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành theo mô hình tập trung tại BHXH Việt Nam. Qua đó, 100% các đơn vị thuộc Ngành đã ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, xử lý văn bản thông qua hệ thống quản lý văn bản điều hành. Đặc biệt, hệ thống đã đảm bảo 100% các văn bản nội bộ đi/đến được gửi và xử lý điện tử; 50% các văn bản đi/đến Bộ, ngành được chuyển song song trên môi trường mạng và qua đường bưu chính; 100% các văn bản không mật gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dưới dạng điện tử...

Ngoài ra, những năm qua, ngành BHXH đã thực hiện triển khai tập trung nhiều hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nghiệp vụ quan trọng như: Hệ thống thông tin giám định BHYT; hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình; hệ thống thu- sổ- thẻ (TST); hệ thống tài chính kế toán; hệ thống quản lý chi trả, xét duyệt các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm...

Theo đánh giá mức chi hoạt động BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giai đoạn 2016- 2018 tại BHXH Hà Nội, năm 2017, cơ quan BHXH được giao 1.408 biên chế nhưng đang quản lý khối lượng công việc được giao rất lớn. Hà Nội đang quản lý 73.754 đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với 1,531 triệu người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 1,441 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 6.109 triệu người tham gia BHYT. Số thu năm 2017 của BHXH Hà Nội là 33.718 tỷ đồng và dự kiến thu năm 2018 là 35.024 tỷ đồng.

Đồng thời, Hà Nội cũng chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho 563.000 người hưởng với 2.164 tỉ đồng/năm; chi trợ cấp BHXH ngắn hạn cho hơn 511.700 lượt người với 2.700 tỉ đồng. Đặc biệt, BHXH TP đang ký hợp đồng KCB BHYT với 205 cơ sở y tế. Từ 2016 trở về trước, hàng năm chi trả cho khoảng 7,3 triệu lượt khám và điều trị với số tiền chi trả 6.330 tỉ đồng. Riêng năm 2017, BHXH TP tiếp nhận 22 cơ sở KCB từ Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến phía bắc (đến 15/12/2017, có 9.244.028 lượt người KCB BHYT với chi phí thanh toán 13.953 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, theo đề án phát triển CNTT của ngành BHXH đã được Chính phủ phê duyệt, BHXH Hà Nội đã triển khai giao dịch điện tử trong thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ thẻ (100% đơn vị sử dụng lao động đăng ký tham gia và giảm thời gian thực hiện các TTHC liên quan đến thu, nộp BHXH) và BHXH TP đang xây dựng cổng tiếp nhận hướng tới giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu nộp lên mức độ 4; 100% cơ sở KCB BHYT tại thành phố kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB BHYT có ký hợp đồng KCB.

Đặc biệt, từ ngày 01/01/2016, ngành BHXH được giao thêm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nên khối lượng công việc tăng lên rất lớn.

Với số lượng biên chế ít, để đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc lớn, đội ngũ công chức, viên chức của BHXH Hà Nội phải làm thêm nhiều giờ ngoài giờ hành chính và thứ 7, chủ nhật...

Làm rõ hơn về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Việc ứng dụng CNTT không chỉ ưu tiên riêng Hà Nội mà để làm được phải đầu tư bài bản trong toàn Ngành. Nếu trước năm 2016, CNTT của Ngành BHXH Việt Nam thực hiện riêng rẽ các phần mềm nghiệp vụ, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Song từ 2016 đến nay, Ngành tập trung vào ứng dụng CNTT theo hệ thống, tập trung cơ sở dữ liệu tại Trung ương, các phần mềm quản lý thu, giải quyết các chính sách... liên thông được với nhau, đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt...

“Nếu không có sự quyết tâm đầu tư ứng dụng CNTT, dù biên chế có tăng bao nhiêu thì cũng không hoàn thành được các nhiệm vụ như hiện nay”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu khẳng định.

Tại buổi khảo sát, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, ngành BHXH đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Các chính sách an sinh xã hội cơ bản hoàn thiện trên 04 trụ cột chính: Phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục và đảm bảo các dịch vụ xã hội tối thiểu cơ bản; chính sách BHXH đang trong quá trình cải cách; được đầu tư về cơ sở vật chất đã và đang tạo điều kiện cho ngành BHXH phát triển. Nhưng đồng thời với đó là phải cải cách bộ máy, quá trình cắt giảm thủ tục hành chính nhưng không được tăng biên chế, cơ sở hạ tầng của ngành còn nhiều khó khăn,…

Nhận định, BHXH Việt Nam đã có bước tiến bộ trong ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đây là bước đi đúng, mang lại nhiều hiệu quả. Trong thời đại công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi phải phát triển CNTT, cải cách TTHC nên rất cần đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc đáp ứng cải cách mới, đặc biệt đầu tư phần mềm CNTT.

“Giai đoạn 2019- 2021, phương án chi phí của BHXH vẫn tập trung vào CCHC, ứng dụng CNTT và quan trọng nhất là phát triển đối tượng tham gia BHXH” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

PV