BHXH TP.Hồ Chí Minh: Sẵn sàng cho những bước tiến mới

24/01/2020 09:07 AM


Kết thúc năm 2019, BHXH TP.Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tốt trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam có cuộc trao đổi với Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mến về nội dung này.

Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mến

PV: Là địa phương có dân số, lực lượng lao động lớn nhất cả nước, xin ông cho biết, BHXH thành phố đã có các giải pháp gì để đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019?

Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mến:

TP.Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục quan trọng, đầu tàu kinh tế của cả nước. Hiện, dân số thành phố gần 14 triệu người, các thành phần kinh tế phát triển nhanh chóng, lực lượng lao động đông đảo, số doanh nghiệp lớn.

Phát huy điều kiện này, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, chính quyền địa phương; BHXH thành phố luôn tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Hiện nay, BHXH thành phố đã ký kết quy chế phối hợp với 17 sở, ngành và 24 cơ quan báo chí trong công tác truyền thông và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

BHXH thành phố đã triển khai nhiều phương thức để người dân, doanh nghiệp lựa chọn khi giao dịch, trao đổi với cơ quan BHXH như: đường dây nóng, tin nhắn, dịch vụ bưu điện, giao dịch điện tử, trang tin điện tử, bộ phận “Một cửa”… Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT được quan tâm; tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn và trên các phương tiện thông tin đại chúng qua các tin, bài viết, chuyên mục hoặc tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến, trả lời các câu hỏi bạn đọc về quyền lợi, chế độ khi tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Bên cạnh đó đội ngũ cộng tác viên và đại lý thu được tăng cường đến tận các tổ dân phố, hộ gia đình để tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và cung cấp hàng triệu tờ rơi để người dân tiếp cận một cách nhanh nhất. Ngoài ra, cấp phường, xã và các đoàn thể còn tuyên truyền, vận động mạnh thường quân hỗ trợ 50% tiền mua thẻ BHYT cho người cận nghèo.

Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục; phối hợp tổ chức các đoàn liên ngành thanh kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn đóng, nợ đọng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Mặt khác công tác ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ được coi trọng, tăng cường đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, giải quyết hồ sơ đóng - hưởng của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn…

Với những giải pháp đó, hết năm 2019, toàn thành phố có 7.561.761 người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (tăng 5,28% người so với năm 2018). Trong đó, BHXH tự nguyện 23. 564 người đạt 126,17% kế hoạch (tăng 333%); 7.541.585  người tham gia BHYT, đạt 101,6% kế hoạch (tăng 5,09%) so với năm 2018, đạt tỷ lệ bao phủ 89,1%, vượt 1,2% theo Quyết định số 1167/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ. Số thu BHXH, BHYT, BHTN là 65.626.965 triệu đồng, đạt 101,74% kế hoạch, tăng 11,9% so với năm 2018. Thực hiện chi trả hơn  46.795 tỷ đồng cho 2.039.515 lượt người hưởng các chế độ BHXH; giải quyết 22.016.273 triệu lượt người KCB BHYT với số tiền thanh toán 19.986 tỷ đồng. Hiện nay, BHXH thành phố đang quản lý 225.851 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trong đó có 121.507 người hưởng nhận qua thẻ ATM và 107.027 người nhận tiền mặt.

PV: Song hành với thuận lợi, một thành phố lớn cũng có không ít những áp lực trong quản lý, điều hành. Với lĩnh vực BHXH, BHYT những khó khăn, thách thức đó là gì, thưa ông?

Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mến:

TP.Hồ Chí Minh tập trung nhiều doanh nghiệp, thu hút đông đảo lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Đây là thuận lợi để BHXH Thành phố khai thác, phát triển lao động tham gia BHXH, BHYT nhưng cũng là “áp lực” bởi thị trường lao động luôn biến động. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nêu trên, tuy nhiên so với quy mô dân số và lực lượng lao động của thành phố thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện vẫn còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng. Hiện, còn khoảng hơn 2 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH; số người tham gia tự nguyện sau hơn 10 năm triển khai mới có 13 ngàn người. Nếu không có sự chuyển đổi trong thời gian tới, số lượng người già, người hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn, tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội.

BHXH TP.Hồ Chí Minh sẵn sàng cho những bước tiến mới trong năm 2020

Tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khá phổ biến như: trốn đóng, đóng không đủ số lao động thực tế làm việc tại doanh nghiệp, tiền lương làm căn cứ đóng thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế, đặc biệt là tình trạng nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài. Hiện nay còn hơn 470 tỷ đồng nợ khó thu của 4.709 đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, chiếm tỷ trọng 14% trong cơ cấu nợ.

Thực tiễn cho thấy, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn nhỏ, các văn phòng đại diện có lao động ít, dễ di chuyển khi bị cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện trách nhiệm về BHXH, BHYT; nhiều đơn vị không thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, lực lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, thanh tra còn ít, chưa tương xứng với tổng thể đơn vị nợ và vi phạm.

Một số cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT như: Chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết không đúng quy trình kỹ thuật, áp sai giá dịch vụ, tách dịch vụ để thanh toán hoặc đề nghị thanh toán trùng lặp, kéo dài ngày nằm viện... hoặc có hiện tượng thu gom bệnh nhân từ tỉnh khác đến khám chữa bệnh. Chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế đã có chuyển biến, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, một số bệnh viện vẫn còn quá tải ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Về phía có quan BHXH, do khối lượng công việc tăng quá nhanh, biến động người tham gia quá lớn (bình quân hơn 800.000 người mỗi năm); trong khi biên chế không tăng mà lại giảm dẫn đến nhiều viên chức, người lao động không chịu được áp lực phải nghỉ việc. Mặc dù đã có nhiều giải pháp hợp lý hóa quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý hầu hết các lĩnh vực nghiệp vụ, nhưng có những công việc đòi hỏi phải có đủ nhân lực để thực hiện trực tiếp như: tiếp nhận và trả hồ sơ, tiếp công dân, tư vấn đường dây nóng, kiểm tra - đốc thu tại các doanh nghiệp, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, nên việc thiếu hụt nhân sự là khó khăn lớn đối với BHXH thành phố.

PV: Có thể thấy những khó khăn, thách thức là không nhỏ, theo ông BHXH Thành phố cần có những kế hoạch, giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?

Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mến:

Việc tìm ra những giải pháp khả thi, thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với Thành phố là một vấn đề cấp thiết. Trong đó, việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện chế độ BHXH, BHYT là giải pháp hàng đầu. Bởi lẽ, BHXH, BHYT là một hoạt động khó khăn, phức tạp, cần được thực hiện một cách chặt chẽ khoa học. Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về BHXH, BHYT các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính trong quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả và chỉ số uy tín, minh bạch trong hoạt động để góp phần tạo môi trường lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững trong BHXH, BHYT.

Thời gian tới, BHXH các cấp của thành phố sẽ tích cực, chủ động đổi mới phương thức hoạt động, triển khai nhiều phương thức để người dân, doanh nghiệp lựa chọn khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH; chú trọng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức, đơn vị thông qua việc ứng dụng phần mềm trong xử lý nghiệp vụ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; tạo nhiều kênh thông tin trao đổi; tổ chức hệ thống đường dây điện thoại tư vấn các lĩnh vực nghiệp vụ.

Công tác truyền thông về BHXH, BHYT sẽ tiếp tục được đẩy mạnh

Công tác truyền thông BHXH, BHYT cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động và cơ quan, đơn vị sử dụng lao động để họ tự giác tham gia. Kiện toàn, củng cố các đại lý BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại phường, xã để tăng nhanh số người tham gia; tiếp tục phát triển mô hình mở rộng đại lý BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, các trạm y tế xã, phường và ngoài công lập, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của BHXH, BHYT trên địa bàn. Duy trì và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trước đây trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình xử lý công việc nội bộ, nhằm giúp tinh giản nhiều nhân lực, rút ngắn nhiều khâu, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc nghiên cứu đưa công nghệ thông tin vào quản lý còn là điều kiện quan trọng để ngành BHXH đẩy mạnh cải cách hành chính trong các hoạt động, nhất là trong công tác quản lý thu, chi và quản lý quỹ BHXH, BHYT; giải quyết chế độ chính sách trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế thế giới như hiện nay.

BHXH thành phố tin tưởng khi triển khai thực hiện đồng bộ và nhất quán, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn, góp phần cùng toàn Ngành và địa phương không ngừng lớn mạnh và phát triển./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)