COVID-19

Trong dịch bệnh, Đảng và Nhà nước vẫn đảm bảo an sinh cho người dân, NLĐ

21/10/2021 01:52 PM


Trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tiếp tục tập trung những giải pháp cho phòng chống dịch Covid-19; đồng thời khẳng định, trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn đảm bảo an sinh cho người dân, NLĐ.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhằm khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và Quốc hội. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác trong chỉ đạo, điều hành; tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội giao.

Theo dự báo của Chính phủ, ước năm 2021 đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu NSNN 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35% GDP. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng đạt trên 240 tỷ USD, cả năm ước tăng khoảng 10,7%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo trước Quốc hội (nguồn: Internet)

Về triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19; báo cáo cấp có thẩm quyền và Ủy ban TVQH để kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ từ quỹ BH thất nghiệp; trình cấp có thẩm quyền sớm triển khai miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động sửa đổi, hoàn thiện để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ đầu năm đến ngày 15/10/2021, đã hỗ trợ gần 21,89 nghìn tỷ đồng cho 24,26 triệu lượt đối tượng; đã cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho trên 161 nghìn lượt NLĐ (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP); giải quyết hưởng hỗ trợ cho gần 430 nghìn NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp và trên 111 nghìn NLĐ đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ 1.251 tỷ đồng (trong đó tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho trên 425 nghìn NLĐ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP)...

Bên cạnh đó, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo được đẩy mạnh. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm; thể thao thành tích cao đạt một số kết quả ấn tượng.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, DN và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn, nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Toàn cảnh cuộc họp (nguồn: Internet)

Do đó, đòi hỏi cả nước phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ, năm 2020, Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường (tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27- 27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1- 1,5%; tỷ lệ tham gia BHYT đạt khoảng 92%...). Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%...

PV