Tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia giảm xuống 5,83%

22/06/2022 02:29 PM


Trong quý đầu tiên của năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia giảm xuống 5,83% từ mức 6,26% của cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia này đang cải thiện sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là một tín hiệu rất khả quan đối với thị trường lao động Malaysia, bởi lao động trẻ chiếm gần một nửa trong số 8,4 triệu người thất nghiệp.

GS.Devanto Shasta Pratomo, Khoa Kinh tế lao động, Trường Đại học Brawijaya cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Indonesia đặc biệt cao ở nhóm tuổi 15-24. Trong số 8,4 triệu người thất nghiệp, 3,6 triệu người (khoảng 42%) ở độ tuổi từ 15 đến 24. Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp hơn "đáng kể" so với cùng kỳ năm 2019 (48%) và năm 2020 (55%). Ông Adhi Saputro, một nhà kinh tế học, thuộc Prospera Indonesia nhận định, cho biết kinh tế Indonesia đang trên đà phục hồi và "triển vọng tốt hơn so một số quốc gia khác", lạm phát được kiểm soát và xuất siêu tăng.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ thô lớn nhất thế giới, mặt hàng này đạt mức giá cao kỷ lục kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022. Tháng trước, Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Morgan Stanley cho biết, trong số các quốc gia ASEAN, Indonesia, Philippines và Malaysia đang lợi thế hơn về giảm lạm phát nhờ vào lợi nhuận thu được từ giá hàng hóa cao và chi tiêu nội địa khổng lồ. Về thị trường lao động, thương mại và sản xuất là 2 lĩnh vực sử dụng lao động trẻ nhiều nhất. Nông nghiệp đứng thứ 3, với 18% lao động trẻ Indonesia. Tuy nhiên, trong tổng số lực lượng lao động, tỷ trọng này tăng lên gần 30%, khiến đây trở thành lĩnh vực việc làm lớn nhất ở Indonesia.

Có 4 triệu lao động mới tham gia thị trường việc làm Indonesia trong 3 tháng đầu năm nay. Con số này từ năm 2010 đến 2019 là 2-3 triệu người mỗi năm. Tất cả họ đều ôm ấp hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Ham, 24 tuổi, tốt nghiệp Đại học ngành Truyền thông, đã tìm kiếm việc làm từ tháng 9/2021 nhưng đến vẫn chưa tìm được việc làm toàn thời gian (full-time): “Một nửa số bạn bè của tôi đã tìm được công việc toàn thời gian, một nửa vẫn đang tìm kiếm. Điều này khiến tôi lạc quan hơn về bản thân”. Fakhri, 22 tuổi, sinh viên khoa Lịch sử năm cuối, Trường Đại học Jakarta tìm việc 6 tháng nay nhưng chưa được công ty nào tuyển dụng và hiện đang làm việc tự do (freelance) cho Cổng Thông tin địa phương Tirto.id. Mặc dù vậy, Fakhri cho biết, trong lúc chờ đợi cậu đã viết được nhiều bài báo, thu nhập cũng không tệ và hơn nữa, cậu thấy Chính phủ Indonesia đã làm tốt việc khôi phục nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

GS.Devanto Shasta Pratomo cho biết thêm, thanh niên Indonesia trình độ từ THPT trở lên, thậm chí một số sinh viên tốt nghiệp Đại học vẫn phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao. Một số nguyên nhân có thể kể đến là ngành, nghề được đào tạo chưa đáp ứng được “một thị trường lao động tương đối phân khúc”; tốc độ phát triển giáo dục khiến trình độ NLĐ cao hơn, dẫn đến các vị trí việc làm có sự cạnh tranh mạnh và một bộ phận NLĐ trẻ thiếu thông tin về cơ hội việc làm. Ngoài ra, thị trường lao động Malaysia còn ghi nhận ít nhất 2 xu hướng nổi bật, đó là trong khi lao động trẻ có trình độ học vấn cao thường “chờ đợi và xem xét” công việc tốt, thu nhập cao mới ứng tuyển, thì lao động trẻ không có bằng cấp THPT trở lên có ít lựa chọn hơn, chịu cảnh thất nghiệp dài hạn và buộc phải tham gia thị trường lao động khu vực phi chính thức để xử lý sinh kế trước mắt”.

Indonesia cần tăng trưởng kinh tế 5% mỗi năm trong 4 năm liên tiếp để tăng tỷ trọng việc làm của khu vực chính thức từ 40% lên 45% (mức cao nhất của việc làm trong khu vực chính thức trước đại dịch. Trường hợp kinh tế Indonesia có thể tăng trưởng cao hơn 5% một năm, thì mức độ việc làm trong khu vực chính thức có thể trở lại mức trước đại dịch nhanh hơn.

PV